TÂM LÀ THẾ NÀO?
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 15/5/2011
Toàn tri toàn giác không thể được phát sinh mà không có nguyên nhân, bởi vì đâu phải mọi thứ luôn luôn là tòan tri toàn giác đâu. Nếu mọi thứ được sinh ra mà không liên hệ đến điều gì khác, chúng có thể tồn tại mà không có sự câu thúc - sẽ không có lý do tại sao mọi thứ không thể là toàn tri toàn giác. Do vậy, vì mọi thứ có ích sinh khởi từng thời kỳ mà thôi, chúng lệ thuộc một cách chặc chẽ trên nguyên nhân của chúng. Toàn tri toàn giác rất hiếm hoi bởi vì nó không xãy ra khắp mọi lúc và ở mọi nơi, và mọi thứ không thể trở thành toàn tri toàn giác. Thế nên, nó chắc chắn tùy thuộc trên những nguyên nhân và điều kiện.
Theo luận điển này, có hai loại hiện tượng tồn tại: những thứ tồn tại một cách thường trụ và những thứ tồn tại thỉnh thoảng mà không tồn tại những lúc khác. Điều gì hàm ý trên loại thứ hai - tồn tại vào những lúc nào đấy và không tồn tại vào những lúc khác? Một câu hỏi như vậy sinh khởi một cách tự nhiên. Điều này ngụ ý rằng các thứ tạm bợ lệ thuộc trên những nguyên nhân. Sự thực rằng các thứ nào đấy được phát sinh vào những lúc nào đó minh chứng sự tồn tại của các nguyên nhân. Nói rằng những thứ nào đấy được phát sinh vào những lúc nào đấy nhưng không vào những lúc khác biểu thị rằng chúng không được sản sinh một cách độc lập, mà đúng hơn là chúng lệ thuộc trên những điều kiện khác. Do vậy, tất cả mọi hiện tượng đó được sản sinh vào những lúc nào đó nhưng không vào những lúc khác lệ thuộc trên những nguyên nhân và điều kiện, và chúng là những loại đa dạng. Những loại nguyên nhân khác nhau, như nguyên nhân thực thể, nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân của tình trạng tương đồng, nguyên nhân đồng thời, v.v... Tương tự thế, có nhiều loại điều kiện, như điều kiện khách quan, điều kiện nhân duyên, điều kiện tức thời, v.v... Do thế, những hiện tượng này tùy thuộc trên những nguyên nhân và điều kiện thay đổi do bản chất; chúng không bất động ở một chỗ và chúng không thường trụ.
Những hiện tượng duyên sinh lần lượt có thể chia làm ba đặc trưng - sắc, thức, và không thuộc hai thứ ấy. Sắc bao hàm những khía cạnh như hình thể, màu sắc, v.v..., những thứ có thể được thấy bằng mắt và xúc chạm bằng tay. Thức không thuộc hình thể, cũng không phải màu sắc và không thể được đo lường trong bất cứ dạng thức vật lý nào, nhưng nó tồn tại trong tự bản chất tự nhiên và khả năng của nó để cảm nhận và ý thức. Thời gian, trái lại, không thuộc sắc hay thức và thuộc vào đặc trưng thứ ba.
Tuệ trí siêu việt toàn tri liên hệ đến thức biết mọi thứ. Toàn tri không phải là một phẩm chất tìm thấy trong đất, đá, sỏi, hay núi non. Nó được sản sinh bằng điều gì đấy mà chức năng của nó là tỉnh thức về các đối tượng, và do thế nó không thể được sản sinh bởi bất cứ điều gì thiếu sự tỉnh thức thích đáng. Dĩ nhiên, thể trạng toàn tri là mục tiêu căn bản chứa đựng mọi thứ toàn hảo, và trong ba đặc trưng của những hiện tượng duyên sinh nó thuộc đặc trưng của thức. Biết hay thấu hiểu là chức năng của thức. Thí dụ, khi chúng ta nói, "tôi hiểu" hay "tôi thấy" và chúng ta có một kinh nghiệm hay cảm giác về điều gì đấy, kinh nghiệm được khởi động bằng thức. Khi nhãn thức thấy một hình thể vật lý, chúng ta nói, "tôi thấy một hình thể vật lý," và khi tâm kinh nghiệm hạnh phúc hay đau khổ, chúng ta nói, "tôi hạnh phúc," hay "tôi đau khổ". Vì thế, khi chúng ta nói, "tôi kinh nghiệm", "tôi thấy", hay "tôi nghe", v.v..., đấy là thức hoạt động như một tác viên. Điều sở hữu chức năng của cái biết là thức.
Thức đa dạng trong phạm vi sự hiểu biết của chúng và trong cường độ hay sự sắc bén của chúng. Một thí dụ rõ ràng là thức của một con người so sánh với thức của một con thú. Nhận thức của con người là rộng lớn hơn và nó hiểu biết các đối tượng đa dạng hơn rất nhiều. Các thức của con người phong phú với học vấn và kinh nghiệm - càng học vấn nhiều hơn chúng ta càng có kinh nghiệm hơn, thức của chúng ta càng rộng rãi hơn. Kiến thức và hiểu biết phát triển trên cản bản của thức có khả năng nhận thức các dối tượng của nó. Khi những điều kiện cần thiết được chạm trán, khả năng của nó để nhận thức gia tăng, phạm vi những đối tượng của nó về kiến thức mở rộng, và sự thấu hiểu sâu xa hơn. Trong cách này tâm có thể phát triển toàn vẹn khả năng của nó.
Sự thông suốt tất cả là sự hoàn hảo hay toàn thiện trọn đủ về khả năng của tâm để nhận thức các đối tượng. Sự thông suốt tất cả trong ý nghĩa rằng nó có thể biết mỗi một thứ mà không bị chướng ngại bởi sự khác biệt của thời gian và không gian. Tuệ trí biết khắp phát sinh từ ý thức và bởi sự định nghĩa là nó được sản sinh bởi nguyên nhân và điều kiện. Điều này hàm ý rằng ngay cả tuệ trí thông suốt tất cả không thể hiện hữu mà không có những nguyên nhân của nó. Nếu không phải là trường hợp này, và một tâm hoàn thiện có thể sinh khởi mà không có nguyên nhân, nó sẽ có nghĩa là mỗi thức là hoàn hảo. Đây là bởi vì nếu mọi thứ được sản sinh không có nhân duyên, thì hoặc là chúng phải tồn tại ở mọi thời hay chúng phải hoàn toàn không hiện hữu. "Nếu mọi thứ được sản sinh không liên hệ trên những thứ khác, chúng sẽ không bị chướng ngại ở bất cứ nơi nào." Điều này nói rằng nếu mọi thứ được sản sinh không phụ thuộc trên những nhân duyên khác, thì không có lý do hợp lý nào tại sao chúng pải bị chướng ngại tại bất cứ thời điểm nào. Vì không phải là như thế này, nên một cách hợp lý là mọi thứ không thể được chuyển hóa thành sự hoàn hảo trọn vẹn. Vì những lý do này, những hiện tượng thực tiển có thể được sản sinh vào những lúc nào đấy và không sinh khởi vào những lúc khác. Vào những lúc nào đó, khi những điều kiện thích thú hiện diện và những điều kiện nghịch cảnh vắng bóng, một thức có thể được chuyển hóa thành sự toàn tri toàn giác có kiến thức về tất cả những hiện tượng.
Vì những thứ này không được sản sinh trong mọi lúc và mọi nơi, hàm ý là chúng tùy thuộc trên nguyên nhân và điều kiện. Trong khuôn khổ của sự lệ thuộc trên nguyên nhân và điều kiện, những người ngưỡng mộ kết quả sau cùng của toàn tri toàn giác phải tạo ra những nguyên nhân và điều kiện đúng đắn - những nguyên nhân và điều kiện hoàn hảo và đúng đắn. Bên cạnh điều này, những mong mõi phải được động viên cao độ trong mục tiêu của chúng. Do vậy, toàn tri toàn giác được dạy là tùy thuộc trên nguyên nhân và điều kiện (có nghĩa là toàn giác phụ thuộc trên nhân duyên).
Như được giải thích trong Toát Yếu Kiến Thức của Vô Trước với việc liên hệ đế những hệ quả được phát sinh bởi nguyên và điều kiện, những điều kiện là điều kiện không dao động, điều kiện vô thường, và điều kiện tiềm tàng. Những gì đã được nói trước đây quan tâm đến điều kiện vô thường. Khi chúng ta nói về vấn đề toàn tri toàn giác có thể được phát sinh ý thức như thế nào, thì chúng ta đang nói về điều kiện tiềm tàng. Khả năng để tỉnh thức về những đối tượng là một phẩm chất bẩm sinh của ý thức. Chính bản chất của ý thức là nó trong sáng và tỉnh thức. Nó sinh khởi trong khía cạnh của đối tượng mà nó lãnh hội. Điều cống hiến tỉnh thức này không là điều gì đó mới được tạo tác bởi những nhân tố khác.
Bây giờ câu hỏi là sự tỉnh thức ấy có thể sinh trưởng và mở rộng đến một phạm vi vô hạn như thế nào. Khả năng để tỉnh thức về những đối tượng của nó là phẩm chất bẩm sinh của của ý thức, nhưng có những thứ ngăn trở tâm khỏi việc mở đến thể trạng kiến thức hoàn toàn. Câu hỏi kế là những thứ chướng ngại này xảy ra như thế nào. Chúng ta cần quan tâm vấn đề những thứ chướng ngại đó có thể được tiêu trừ như thế nào. Những gì cản trở ý thức từ việc tỉnh thức với đối tượng của nó là si mê là một nhận thức sai lầm về sự tồn tại chân thật[1], cũng liên hệ đến như si mê bám chặc một cực đoan, cực đoan cụ thể hóa.
Khi chúng ta nói về vô minh si ám, những gì chúng ta muốn nói đến là ý thức hoặc là thiếu vắng một điều kiện thích ứng nào đó, hay một điều kiện đối nghịch nào đó đang cản trở nó khỏi việc tỉnh thức với đối tượng của nó. Trong nhiều loại si mê, si mê mà nhận thức sai lầm vể sự hiện hữu chân thật là gốc rể, kẻ nắm giữ quyền lực, có thể nói như thế. Và si mê này là chướng ngại chủ yếu. Chúng ta cần đi đến kết luận qua sự phân tích rằng sự si mê này là điều gì đấy có thể tiêu trừ và loại bỏ. Những nhược điểm của tâm sinh khởi một cách chính yếu qua si mê và khả năng tiềm tàng của nó. Chúng ta cần khảo sát và quyết định có phải si mê có thể tách khỏi tâm được hay không, và si mê có thể đi đến chấm dứt được hay không. Si mê trong phạm vi này không chỉ là ngu ngốc, nhưng si mê là nhận thức sai lầm về sự tồn tại chân thật. Nó là một tâm nhận thức sai lầm một cách ngoan cố đối tượng của nó. Do vậy, bằng việc trau dồi một sự thấu hiểu không sai lầm như sự đối trị của nó, chúng ta có thể loại trừ nó.
Cả si mê là nhận thức sai lầm về sự tồn tại chân thật và sự đối trị nó đều lệ thuộc trên những nguyên nhân và điều kiện. Chúng giống như được sinh trưởng khi tiếp xúc với những điều kiện thích hợp và chấm dứt tồn tại khi chạm trán với những nhân tố nghịch duyên. Chúng ta có thể hỏi, những gì khác biệt giữa hai thứ ấy, si mê và sự đối trị nó? Vì si mê là một sự hiểu sai về sự tồn tại chân thật là một tâm sai lầm trong sự chú ý đến đối tượng của nó, nên nó không thể phát triển một cách vô giới hạn. Đây là bởi vì nó không có một sự hổ trợ hợp lý. Tâm này là sai lầm, hay ngoan cố, trong ý nghĩa là cách nó nhận thức đối tượng là đối nghịch với cung cách thật sự mà đối tượng hiện hữu. Tâm nhận thức vô ngã là một sự đối trị, hay đối kháng, đến si mê và không lầm lẫn trong sự lưu ý đến đối tượng của nó. Nên có thể nói rằng, nó quan tâm một cách đúng đắn với đối tượng của nó, có nghĩa là cách nó nhận thức đối tượng của nó y theo cách mà đối tượng tồn tại một cách thật sự. Bởi vì nó không phải là một nhận thức sai lầm, nó có một căn bản hợp lý hổ trợ.
Như đã nói phía trước rằng si mê là một nhận thức sai lầm về sự tồn tại chân thật là có thể đưa đến chỗ chấm dứt. Đây là bởi vì tâm si mê không có sự hổ trợ của một nhận thức hợp lý. Trái lại, tâm nhận thức bản chất vô ngã của một đối tượng thật có sự hổ trợ của một nhận thức hợp lý. Những phương thức mà hai tâm này nhận thức các đối tượng là trái ngược nhau. Tâm nhận thức bản chất bản chất vô ngã của một đối tượng là một sự đối trị đầy năng lực chống lại tâm si mê, và do thế, tâm si mê có thể được chiến thắng. Sự tương đồng này đối với phương thức mà trong ấy bất cứ khía cạnh nào của nổi khốn khổ có thể được giảm thiểu khi những phương pháp thích đáng được áp dụng để chống lại nó. Đấy là chính trong bản chất của mọi vật là khả năng của chúng bị giảm thiểu khi chạm trán với những nhân tố đối kháng.
Tâm nhận thức thực tại được liên hệ như sự tỉnh thức siêu việt và là một phẩm chất tich cực của tâm. Nó được sự hổ trợ của một nhận thức hợp lý. Trong bản chất của tâm khi chúng ta tập cho mình quen với một phẩm chất tích cực thì nó có thể phát triển một cách vô hạn. Không giống như tâm, những phẩm chất tích cực của thân thể không có phẩm chất này để có thể mở rộng đến vô hạn. Điều này đơn giản là qua sự kiện rằng thân thể được cấu thành bởi những yếu tố thô thiển, và những thuộc tính thô thiển của hình sắc thô thiển như vậy không có khả năng để khuếch trương vô hạn.
Khi chúng ta nói rằng tâm si mê là ngoan cố hay sai lầm, chúng ta đang nói về phương cách nó nhận thức sai lầm thực tại. Bây giờ những câu hỏi thích đáng là: Thực tại là gì? Tâm này lầm lẫn thực tại như thế nào? Và tâm lãnh hội thực tại một cách sai lầm trong cách nào? Thực tại hay tính không của sự tồn tại chân thật là điều gì đó có thể được thiết lập một cách hợp lý (logically). Điều này nghe đúng đắn, hay hoàn hảo, những lý do để minh chứng tính không của sự tồn tại cố hữu (tính không của tự tính), và chúng ta có thể đạt được sự thuyết phục trong những lý do này. Trái lại, không có cách nào để chứng minh sự tồn tại chân thật. Sự tồn tại chân thật là những gì xuất hiện đến ý thức thông thường, không rèn luyện. Nhưng khi ở dưới sự phân tích tỉ mỉ, thì không thể tìm thấy được sự tồn tại chân thật. Ngay cả trong đời sống hằng ngày của chúng ta, chúng ta thường thấy những mâu thuẩn giữa phương cách những vật nào đấy xuất hiện và kiểu mẫu tồn tại thật sự của chúng; đó là, cách mà mọi vật thật sự tồn tại khác biệt với cách chúng xuất hiện để tồn tại. Quan điểm này có thể được làm sáng tỏ một cách hoàn toàn đơn giản: trong những mối liên hệ trần gian, chúng ta nói về người nào đó bị làm cho thất vọng hay vở mộng. Sự tan vở ảo tưởng sinh khởi qua sự không nhất quán giữa cách một hoàn cảnh xuất hiện để là và cách nó thật sự là.
Chúng ta hãy thẩm tra hoàn cảnh của chúng ta như một con người. So sánh với thú vật , tâm chúng ta mạnh mẽ hơn rất nhiều. Chúng ta có năng lực phân tích có hay không một thực tại vượt khỏi trình độ của hiện tướng, trái lại thú vật chỉ đối phó với những gì xuất hiện đến chúng. Điều này là rất rõ ràng, giống như những con người khác nhau có những khả năng tinh thần khác nhau. Khi chúng ta thẩm tra chúng một cách sâu sát, nhiều tâm được thấu hiểu một cách phổ thông như nhận thức đáng giá cũng lầm lẫn trong một ý nghĩa sâu xa hơn. Phương thức các hiện tượng thật sự tồn tại là khác hơn những gì xuất hiện đến những tâm như vậy. Chúng ta nhận thức thực tại hay tính không một cách thông thường như tồn tại một cách khác biệt với cách chúng thật sự tồn tại. Nhận thức của chúng ta về những thứ vô thường như những rặng núi và nhà cửa không phù hợp với kiểu mẫu chúng thật sự tồn tại. Một vài thứ này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, ngay cả hàng ngàn năm. Và những tâm chúng ta nhận thức chúng chính trong cách ấy - như trường cửu và thường còn, không bị tác động với sự thay đổi từng giây phút. Tuy thế, khi chúng ta thẩm tra những đối tượng này trên một trình độ vi tế, chúng tan rả trong từng thời khắc. Chúng chịu đựng sự thay đổi từng chốc lát. Khoa học cũng diễn tả một kiểu mẫu thay đổi tương tự. Những đối tượng này xuất hiện chắc chắn, vững vàng, và lâu dài, nhưng trong bản chất thật sự của chúng, chúng thay đổi liên tục, không đứng yên ngay cả trong một phút chốc.
***
Đáng lẻ đầu đề bài này phải để "Tâm là gì?" tuy nhiên trước đây đã có một bài cùng tên, nên bài này có tựa đề "Tâm là thế nào?"
Nguyên bản: What is the mind? trích từ quyền Stages of Meditation
Ẩn Tâm Lộ ngày 29-3-2012
[1] True existence - sự tồn tại chân thật, có khi được được dịch là sự tồn tại cố hữu - inherently existence - hay tự tính
|
No comments:
Post a Comment