Tôi
không có ý kiến gì về vấn đề giải quyết những khủng hoảng của địa cầu, vì thể tốt
hơn là nói về một trình độ thực tiển.
Ngày nay, thêm vào những thảm họa thiên nhiên, có nhiều vấn nạn do con
người làm ra chẳng hạn như ở Bosnia.
Trong tin tức hằng ngày và trên truyền hình, chúng ta có thể thấy những
con người vô tội này khổ sở như thế nào.
Trong những phần khác của thế giới cũng vậy, có vô số những sự giết
chóc, ám sát, ngay cả những trường hợp trẻ con giết trẻ con. Đôi khi người ta hỏi tôi, "ngài có chỉ bảo
hay đề xuất gì không?" tôi thường
nói với họ tôi không có ý kiến gì. Những
rắc rối này, tôi tin rằng, là kết quả của những phóng túng từ lâu đời. Những sự kiện này không phải được mang đến một
cách bất ngờ. Chúng có nguyên nhân và
duyên cớ. Một nguyên nhân và duyên cớ tạo
nên một nguyên nhân khác, một duyên cớ khác và tiếp tục cho đến mọi sự cuối
cùng vượt khỏi tầm tay. Hầu hết những sự
kiện này là kết quả của những cảm xúc con người vượt khỏi sự kiểm soát. Khi những thảm họa xảy ra, thật khó để đối
phó với chúng. Cảm xúc con người phải được
phối hợp với sự thông minh thích đáng, có nghĩa là sự thông minh với tình cảm
con người. Người ta không chắc liệu
thông minh chỉ là tàn phá, hay tích cực
và xây dựng. Sự thông minh với tình cảm,
trái lại có thể phát sinh những kết quả kỳ diệu. Sự thông minh thường chấm dứt hoạt động khi cảm
xúc vượt khỏi sự kiểm soát. Ngày nay nhiều
hoàn cảnh đã đến mức độ ấy. Nếu chúng ta
hỏi những người nào đấy, ngay cả những lãnh tụ, "Mục tiêu giết chóc nhau của
quý vị là gì?" họ có thể không có một
câu trả lời rõ ràng. Bằng việc giết
chóc, họ đơn giản biểu lộ những cảm xúc tiêu cực và mù quáng của họ, gây ra những
khổ đau nặng nề trên những người khác.
Vì vậy điều gì chúng ta học được từ những sự kiện này?
Trong
tương lai, nếu chúng ta muốn một loài người hạnh phúc hơn, một thế giới hạnh
phúc, chúng ta phải đào tận gốc rể của rắc rối.
Dĩ nhiên, kinh tế và chính trị cũng là nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm trong tâm con
người. Mỗi hành động của con người - lời
nói hay hành động - ngay cả một hành động nhỏ nhiệm, có một động cơ nào
đó. Một cách căn bản mọi thứ tùy thuộc
trên động cơ của chúng ta. Động cơ thích
đáng hay sự phát triển thích đáng một động cơ là một nhân tố quan trọng.
Do
vậy, nếu óc thông minh đồng hành với tình cảm và từ bi của con người - những gì
tôi gọi là cảm giác con người, thế thì nó rất lợi lạc. Hệ thống giáo dục hiện đại quá chú ý đến kiến
thức và não bộ và không quan tâm đầy đủ đến sự phát triển tâm linh. Người ta để
nó cho những tổ chức tôn giáo và những gì khác chăm sóc nó. Tôi không nghĩ như vậy là đầy đủ. Mặc dù tất cả những tôn giáo trên thế giới có
khả năng để thực hiện một sự cống hiến phi thường để phát triển một trái tim
thánh thiện, ngay cả điều ấy cũng không đầy đủ.
Hơn thế nữa, nhiều người cảm thấy rằng tôn giáo là điều gì đấy như một
kiễu mẫu lỗi thời hay cũ kỷ và những con người tôn giáo chính họ đồng thời cũng
hơi quá bảo thủ. Họ tiếp tục hơi cô lập
với thế giới thật sự và những rắc rối hàng ngày. Đôi khi nhiều truyền thống tôn giáo, kể cả
truyền thống Tây Tạng, nhấn mạnh quá nhiều trên nghi thức hay lễ lạc mà không
có một sự thấu hiểu thích đáng về ý nghĩa của nó. Do thế, sự cống hiến và sự ảnh hưởng của tôn
giáo cũng bị giới hạn. Thật không đủ khi
chỉ để cộng đồng tôn giáo chịu trách nhiệm về những vấn đề đạo đức. Các vấn nạn thường quá lớn , và nhóm người
quan tâm đến vấn đề là quá nhỏ và quá yếu.
Lấy
trường hợp của Hoa Kỳ và một số quốc gia khác.
Chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng họ đang đối diện một loại khủng
hoảng đạo đức nào đấy. Họ hoặc là gia
tăng lực lượng cảnh sát hay tìm kiếm một giải pháp khác cho những rắc rối của họ. Ngoại trừ có một sự thay đổi phát triển tích
cực nào đó xảy ra trong trái tim mỗi cá nhân, hay ngoại trừ có một sự chuyển biến
nào đó ở đấy, thật khó khăn để kiểm soát những năng lực ngoại tại. Do thế mỗi chúng ta, như một bộ phận của cộng
đồng nhân loại, có trách nhiệm để làm việc gì đó cho cộng đồng nhân loại vì nếu
tương lai nhân loại tốt đẹp, sáng lạng, và hòa bình, tất cả chúng ta sẽ hưởng lợi
ích. Nếu nhân loại suy thoái đạo đức, nhủng
lạm, bóc lột, bắt nạt và lừa dối tất cả sẽ xảy ra; như một kết quả của điều
này, xã hội sẽ khổ đau.
Mặc
dù mỗi quốc gia có luật lệ và những điều chỉnh, nhưng những người lém lĩnh luôn
luôn tìm ra các khe hở chung quanh chúng.
Nếu các giá trị đạo đức, và tiêu chuẩn thái độ xã hội trở nên tiêu cực,
mỗi chúng ta sẽ đau khổ. Do thế, khuynh
hướng của mỗi cá nhân liên hệ rất nhiều đến các quan tâm của xã hội. Có một sự tương quan rõ ràng.
Chúng
ta không nên nghĩ rằng vấn đề là khổng lồ và mỗi cá nhân là quá nhỏ. ''Nổ lực của tôi sẽ không bao giờ có tác động
trên vấn đề mênh mang như vậy" không phải là cách suy nghĩ như vậy. Vấn nạn có thể lớn, nhưng nếu mỗi cá nhân bắt
tay vào, rồi thì sẽ có một cơ hội thật sự.
Nếu mỗi cá nhân tiếp tục cô lập,
trung lập và dửng dưng, và mong đợi những sự thay đổi ấn tượng từ những người
khác hay từ bầu trời hay từ thiền quán, điều ấy là buồn cười. Dĩ nhiên, cầu nguyện có sự gia hộ của nó và một
sự giới hạn. Nhưng nổ lực chính phải đến
từ chính chúng ta. Đức Phật và Thượng Đế
chắc chắn có một loại ảnh hưởng nào đó, nhưng một cách căn bản mỗi cá nhân phải
thực hiện một nổ lực với sự tin cậy hoàn toàn.
Cho dù chúng ta đạt được những kết quả toại nguyện hay không, nhưng thật
hợp lý và đáng giá để thực hiện một nổ lực.
Tôi
đã sống hầu hết thời gian của cuộc đời tôi bên ngoài quê hương tôi như một người
tị nạn. Nhiều người Tây Tạng tin tưởng tôi; họ có những
mong đợi lớn lao và phần vụ hay trách nhiệm của tôi là rất lớn. Đã đang có nhiều khó khăn. Qua thời điểm này, mặc dù nhiều khó khăn và rắc
rối, dường như đối với tôi khi tôi so sánh những trải nghiệm của tôi với những
người khác, tôi là một người khá hạnh phúc.
Dĩ
nhiên, khi có những tin tức xấu hay thảm trạng gì đấy xảy ra, tôi trải nghiệm
băn khoăn, buồn đau, và thất vọng, nhưng những cảm giác ấy hiện hữu không
lâu. Mặc dù những hoàn cảnh như vậy, tâm
tôi tương đối vững vàng và an bình. Điều này giúp tôi rất nhiều và cho phép tuệ trí và
sự thông minh của tôi thể hiện chức năng bình thường mà không bị quấy rầy quá lắm
và vì thế tôi ngủ không có sự khó khăn nào.
Và vì tâm tôi tương đối tĩnh lặng, sự tiêu hóa và sức khỏe của tôi là tốt
đẹp. Như một kết quả, tôi được nhiều lợi
ích. Nhiều người Tây Tạng, những người
trải nghiệm sự tra tấn kinh khiếp và những khó khăn khác và mất mát gia đình họ
có thể duy trì tinh thần ổn định và tĩnh lặng của họ. Trong bốn năm qua, thỉnh thoảng tôi có những
cuộc gặp gở với các nhà khoa học, tâm lý học, thần kinh học và vật lý học. Khi chúng tôi thảo luận về những rắc rối tinh
thần và cố gắng để thấu hiểu cùng giải thích chúng, một số nhà khoa học này thật
sự ngạc nhiên. Một số người Tây Tạng đã
bị đau đớn kinh khiếp nhưng thể trạng tinh thần của họ duy trì tĩnh lặng và ổn
định không ngờ.
Sức
mạnh nội tại này là gì mà cho phép duy trì tĩnh lặng trong bộ mặt của những khó
khăn? Không phải kết quả của những nhân
tố ngoại tại, thuốc uống, thuốc chích, ma túy, hay rượu. Cũng không phải loại gia hộ ngoại tại nào
đó. Sức mạnh nội tại xuất phát từ sự rèn luyện tâm đúng đắn.
Bất chấp chúng ta là người có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, qua sự rèn luyện tâm,
chúng ta có thể xây dựng thái độ của chúng ta.
Như một kết quả, chúng ta trở nên tĩnh lặng hơn và hòa bình hơn, và có
thể đương đầu với những vấn đề khó khăn, cấp bách và ngay cả những vấn đề phức
tạp nhất một cách tốt đẹp hơn. Kinh nghiệm
và thảo luận quá khứ với những người từng trải, cũng cống hiến đến sự đối phó
nhuần nhuyển các vấn nạn. Thế rồi không
nghi ngờ gì, rằng những vấn nạn ấy tại gia đình, cộng đồng và ngay cả trong những
trình độ quốc tế có thể được giảm thiểu nếu chúng là do con người tạo nên.
Hệ
thống giáo dục và đời sống gia đình là hai lãnh vực rất quan trọng. Trong lãnh vực giáo dục, chúng ta phải săn
sóc không chỉ não bộ, nhưng cũng là sự phát triển tâm linh. Tôi nói ''sự phát triển tâm linh" không ở
trong ý nghĩa tôn giáo mà chỉ đơn giản trong ý nghĩa của việc có một trái tim tốt
lành và từ bi. Nếu chúng ta có một trái
tim từ bi, tự động nó đem đến một sức mạnh nội tại và cho phép ít sợ hãi hơn,
ít nghi ngờ hơn. Kết quả, chúng ta trở
nên hạnh phúc hơn và cởi mở hơn, vì vậy tạo thêm nhiều bạn bè hơn trong xã hội. Khi chúng ta quan tâm đến giáo dục từ quan điểm
của giáo viên, rất rõ ràng rằng các giáo viên phải gây ấn tượng lên tâm thức học
trò bằng giá trị và ảnh hưởng của tình cảm con người qua sự hướng dẫn và hành động
của họ.
Trái
lại, thật quan trong để giới hạn kích cở của gia đình qua kiểm soát sinh sản. Thật thiết yếu để có ít con cái hơn, chỉ có
số lượng mà chúng ta có thể chăm sóc một cách đúng mức. Ngoài vấn đề giáo dục, chúng ta phải làm cho
con trẻ thấm nhuần với giá trị của đời sống và tình cảm con người.
Truyền
thông là một lãnh vực khác nữa. Trong thời kỳ hiện đại, truyền thông thường có
nghĩa là rắc rối, nhưng thông thường nó rất hữu dụng. Đặc biệt, trong những quốc gia dân chủ, tự do
báo chí là cực kỳ lợi ích. Tự do báo chí
cho phép họ đưa ra những vụ bê bối và hạn chế nhủng lạm. Thật quan trọng để tiến tới một quan điểm cân
bằng trong truyền thông - để miêu tả sinh động cả những khía cạnh tích cực và
tiêu cực. Những báo cáo của báo chí rất
thường tập trung trên những thứ tiêu cực - ám sát, hãm hiếp, trộm cướp, v.v...
- và không đem đến đầy đủ tin tức những vấn đề tích cực. Hiếm có bất cứ tin tức nào về vấn đề có bao
nhiêu trẻ em hay bao nhiêu người bệnh tiếp nhận lợi lạc của lòng tử tế và tình
cảm con người. Quá mức những thứ tiêu cực
hướng dư luận công cộng tin tưởng rằng bản chất con người căn bản là tiêu cực,
và ý tưởng ấy căn bản đưa đến một bộ mặt thất vọng rộng lớn hơn. Chúng ta cũng đánh mất sự tự tin. Điều này là cả thảm họa và hiểm nguy. Do vậy, truyền thông đóng một vai trò quan trọng,
và những con người tôn giáo có trách nhiệm quan trọng của họ trong phạm vi
này. Từ
mỗi khía cạnh, và thông qua các nghề nghiệp khác nhau, chúng ta phải
thúc đẩy giá trị của tâm từ bi. Mặc dù
không dễ dàng, nhưng đấy là cách duy nhất đối với một nhân loại tốt đẹp hơn và
một tương lai hạnh phúc hơn.
Bây
giờ tôi sẽ giải thích điều gì đấy về phương pháp thực tập của Đạo Phật. Đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của
hòa hiệp trong các tôn giáo khác nhau. Mặc
cho những triết lý khác biệt, tất cả các tôn giáo quan trọng có cùng thông điệp,
và cùng sự chỉ bảo, cho con người. Có những
người cực kỳ phi thường theo những tôn giáo khác nhau đã chuyển hóa thể trạng nội của họ một cách hoàn toàn. Như một kết quả họ thật sự từ bi và thông
tuệ. Họ cho thấy rằng tất cả những tôn
giáo khác nhau này có khả năng để sản sinh một sự chuyển hóa nội tại trong tâm
con người. Do vậy, cho dù chúng ta thích
hay không, những tôn giáo quan trọng này luôn luôn tồn tại. Trong quá khứ, nhiều người đã lợi lạc từ những
truyền thống này, và cũng cùng gìn giữ chân lý như vậy cho hiện tại và tương lai. Do thế, thật cực kỳ quan trọng để có một sự
hòa hiệp chân thành trong những truyền thống tôn giáo. Điều ấy là có thể vì có một nền tảng
chung. Và một khi chúng ta biết hơn về
những tôn giáo khác, chúng ta tự động
phát triển sự tôn trọng hơn và cảm kích hơn về các tôn giáo ấy. Sự thấu hiểu hổ tương đưa đến sự tôn trọng
tương hổ. Theo như sự quan tâm của Đạo
Phật, nó liên hệ đến việc rèn luyện tâm thức.
Đạo
Phật nhấn mạnh việc rèn luyện và chuyển hóa tâm bởi vì tất cả những sự kiện là
kết quả từ những hành động của chúng ta.
Chúng ta gọi là nghiệp. Tương lại
chúng ta lệ thuộc trên những hành động hôm nay.
Đấy là luật nghiệp báo, hay luật nhân quả. Về lời nói, tinh thần và hành động thân thể,
hành động tinh thần là quan trọng nhất.
Động cơ tinh thần là nhân tố chìa khóa.
Cùng
lời nói và hành động có thể tại một thời điểm là tích cực và lúc khác là tiêu cực
do bởi những động cơ tinh thần khác biệt.
Trong vài trường hợp, với một động cơ nào đó, các hành động thông thường
được xem là tiêu cực có thể thật sự trở thành tích cực. Hành động tinh thần do thế là vượt trội, và
là nhân tố quyết định, và tất cả những sự kiện cuối cùng lệ thuộc trên tâm của
chính chúng ta. Mục tiêu cứu kính là giải
thoát hay moksha. Giải thoát là thể trạng
tinh thần nơi mà tất những cảm xúc phiền não tinh thần thô là hoàn toàn được
tiêu trừ. Moksha hay giải thoát, niết
bàn là một phẩm chất tinh thần.
Và
cuối cùng chúng ta có Quả Phật. Một khi
tâm và sự tỉnh thức được phát triển hoàn toàn và được đánh thức mà không có bất
cứ chướng ngại nào, thể trạng của tâm Phật được đạt đến: đấy là điều chúng ta gọi
là Giác Ngộ. Đấy cũng là một phẩm chất
tinh thần. Đối tượng được chuyển hóa là
tâm, kẻ chuyển hóa cũng là tâm, và kết quả cũng là tâm. Một số người giải thích Đạo Phật là một môn
khoa học về tâm. Dường như thích đáng để
giải thích Đạo Phật như vậy.
Có
nhiều sự giải thích trong Đạo Phật về bản chất của tâm ở trình độ quy ước và cứu
kính, và một sự phân biệt được thực hiện giữa những loại khác biệt của tư tưởng
tinh thần. Mật Thừa làm một sự phân biệt
rất chính xác giữa những trình độ khác nhau của tâm: thô, vi tế hơn, và vi tế
thậm thâm nhất. Vì phương pháp để chuyển
hóa tâm trong tự nó là bản chất của tâm, thiền quán trở nên một bộ phận rất quan
trọng của thực hành Phật Pháp.
Chúng
ta không thể chuyển hóa tâm mà không có thiền quán. Có hai loại thiền quán - phân tích (quán) và
định chỉ (chỉ). Vũ khí thật sự chống lại
tiêu cực là thiền phân tích. Qua phân
tích chúng ta có thể phát triển một sức thuyết phục mới hay sự tỉnh thức. Khi sự tỉnh thức này tăng trưởng, những năng
lực đối kháng bị giảm thiểu. Thiền phân
tích tiêu diệt tiêu cực. Vipassana, quán
hay tuệ giác nội quán, là một loại thiền phân tích đặc thù. Nhằm để làm ổn định thiền phân tích ấy, một
năng lực, thiền định chỉ là cần yếu. Tâm
chúng ta thường rất phân tán nên khi chúng ta muốn phân tích điều gì đấy, chúng
ta dùng chỉ một phần năng lượng của tâm chúng ta. Nhiều năng lượng bị lãng phí. Qua shamatha, chỉ hay định chỉ, chúng ta chuyển
dụng tất cả năng lượng. Chúng ta hợp nhất
tất cả năng lượng như năng lượng thủy điện.
Khi nước bị rải rác, nó không thể chuyển động một cách mãnh liệt; khi
cùng khối lượng của nước được tập trung, năng lượng hay sức mạnh của nó gia
tăng. Tâm chúng ta bị phân tán, và tuy
thế bởi tính tự nhiên nó có khả năng tri nhận.
Nhưng gì nó bị phân tán quá, ảnh hưởng của nó rất giới hạn. Do thế, nhất thiết phải tập trung năng lượng
của tâm qua thiền chỉ, shamatha.
Thiền
phân tích tự nó là hai loại. Một giống như từ bi hay niềm tin. Tâm tự nó được chuyển hóa trong bản chất của
bi mẫn hay karuna. Thiền phân tích khác
là như sự thấu hiểu về tính vô thường và tính không như đối tượng được thực chứng. Có nhiều loại thiền quán, nhưng chỉ có hai
khía cạnh quan trọng liên hệ trong sự thực hành của Đạo Phật.
Chúng
ta cũng cần giữ trong tâm khía cạnh của động cơ. Trong Bồ Tát thừa, nhân tố chìa khóa thúc đẩy
tất cả hành động, ngay cả những hành động thế tục, là động cơ để đạt được con
đường đưa đến Quả Phật. Để được thế,
nhân tố chìa khóa là tâm giác ngộ ,tâm bồ đề hay bodhicitta, tâm của lòng vị
tha vô hạn. (Lòng vị tha ở đây liên hệ đến
nguyện ước đạt đến Quả Phật vì lợi ích của tất cả chúng sinh). Cho nên với động cơ này có những loại thiền tập
khác biệt thật sự đưa đến Quả Phật.
Thật
không thể lao vào những bài tập thiền cao cấp, là những thứ rất khó khăn để đạt
được hay thực thi. Như Thánh Thiên
(Aryadeva) tuyên bố trong tác phẩm Bốn Trăm Kệ, mục tiêu của chúng ta, Quả Phật,
có nghĩa hoàn tất việc tiêu trừ tất cả
những nhiễm ô tiêu cực của tâm kể cả những dấu vết, chủng tử hay xu hướng
được gọi "chướng ngại" đến Quả Phật.
Sự thực hành phải được tiến hành từng bước một. Nhằm để tiêu trừ những dấu vết này của vọng
tưởng, trước nhất chúng ta phải loại trừ tất cả những nhiễm ô tinh thần. Như bước đầu tiên, chúng ta cần shila, giới,
nguyên tắc đạo đức dẫn đạo. Cho dù là một
tu sĩ hay cư sĩ, không có gì khác biệt trong sự quan tâm này, nguyên tắc đầu
tiên là giới. Việc chính yếu là để từ bỏ
mười điều bất thiện: những thứ thuộc về thân - giết hại, trộm cướp và tà dâm;
những thứ thuộc về miệng - nói dối, nói lời chia rẻ, nói lời thô ác và nói lời
vô ích; và những thứ thuộc về ý - tham lam, xu hướng tổn hại và quan điểm sai lạc
(tham, sân, si).
Những
quan điểm sai lạc có hai sự diễn dịch. Một
là chủ nghĩa hư vô, không chấp sự tồn tại của bất cứ điều gì, và thứ hai là thổi
phồng cực đoan chấp nhận mọi vật như có một sự tồn tại cố hữu. Nhằm để thực tập đạo đức luân lý và tự giác,
nhân tố chìa khóa là chánh niệm liên tục trong đời sống hàng ngày của chúng
ta. Khi chúng ta sắp nói về ai đấy,
chúng ta nên liên tục kiểm soát xem chúng ta có sắp nói dối hay không. Và trong đời sống hàng ngày của chúng ta,
chúng ta phải liên tục kiểm soát những hành vi của thân, miệng và tinh thần của
chúng ta.
Đôi
khi, trong một trường hợp đặc thù, chúng ta có thể có một sự lừa dối nhẹ nhàng
nào đấy. Nhằm để cứu mạng sống của nhiều
người, chẳng hạn thế, có thể được phép nói dối nhẹ nhàng. Ngoại trừ trường hợp như vậy, chúng ta phải
thật chân thật và lịch sự. Vào những
lúc, chúng ta quá trung thực, và điều này tạo nên sự nghi ngờ. Nói năng chân thật,
cởi mở và tốt đẹp luôn luôn mang theo một sức nặng nào đấy. Chúng ta phải nên tử tế và tránh làm tổn hại
người khác. Trong phạm vi này, ăn chay
là cực kỳ thánh thiện. Tự tôi đã cố gắng
để trở thành một người ăn chay trong những năm đầu thập niên sáu mươi và duy
trì việc ấy cẩn mật trong hai năm. Tuy
nhiên, vì một số rắc rối thân thể nên đấy là tại sao tôi không ăn chay nữa. Ngày nay, tôi ăn chay trong những ngày thay đổi,
vì thế, một cách hiệu quả, trong sáu tháng một năm tôi ăn chay. Mới đây, trong khi đi từ Dharamsala đến phi
trường Jammu, tôi để ý thấy nhiều con gà trong những hộp nhỏ. Thật là một hình ảnh khủng khiếp. Những
người sống ven biển sống còn nhờ cá - hàng nghìn con cá bị giết một
ngày. Nhằm để thỏa mãn bao tử chúng ta,
nhiều sự sống bị cướp đi. Chúng ta phải
thúc đẩy việc ăn chay. Điều ấy thật là
quan trọng. Tôi thật sự cảm thấy rằng
dân số loài người nên được giảm thiểu.
Chúng ta phải bảo vệ sự sống của những chủng loại khác. Những con số nhỏ hơn báo hiệu những con người
thân thiện hơn và hạnh phúc hơn và vì điều làm ra xã hội bệnh hoạn là nghèo
đói, do vậy kinh tế thế giới là một nhân tố quyết định.
Tà
dâm là một trong những nhân tố chịu trách nhiệm cho việc tàn phá không khí hòa
bình của gia đình và nhân loại phổ quát.
Kỷ luật tự giác trong tình dục được đòi hỏi một cách rộng rãi. Đặc biệt, bây giờ, khi tất cả thế giới chúng
ta có một cơn dịch kinh khủng được biết như AIDS.
Nếu
đạo đức tự giác được thực hành, phẩm chất của đời sống trở nên tốt đẹp hơn và
chúng ta là những người hạnh phúc hơn được người khác tôn trọng. Những sự thực hành này không chỉ đưa đến hạnh
phúc căn bản, nhưng ngay trong tức thời lại tạo nên một không khí rất tích cực
trong gia đình và cộng đồng; và những cá nhân cũng thế, hạnh phúc hơn. Trên bề mặt, đời sống của một vị ni hay tăng
dường như không hấp dẫn. Đời sống của một
vị cư sĩ hiện hữu hấp dẫn và phong phú hơn.
Đời sống của chúng ta dường như ít màu sắc hơn, nhưng về lâu về dài tôi
nghĩ thể trạng tinh thần của những vị ni và tăng là cân bằng hơn.
Những người không nguyên tắc có một đời sống sôi động
hơn - đôi khi rất vui sướng, lúc khác lại rất chán nãn (giống như một con
yo-yo). Điều này không tốt cho thân thể. Một thể trạng tĩnh lặng và điềm đạm là đáng
mong ước hơn. Bằng việc thực tập tự kiềm
chế, chúng ta cũng đóng góp vô hạn đối với việc kiểm soát sinh sản không tổn hại. Đây là đạo đức hạnh kiểm trong căn bản hàng
ngày.
Kẻ
thù thật sự là những cảm xúc tiêu cực của con người chẳng hạn như thù hận, ganh
ghét, và kiêu căng - kẻ thật sự tàn phá tương lai và hạnh phúc của chúng
ta. Thật khó khăn để chiến đấu với kẻ
thù này mà không sử dụng biện pháp phòng thủ thích hợp.
Kỷ
luật tự giác, mặc dù khó khăn, và không luôn luôn dễ dàng trong khi chiến đấu với
những cảm xúc phiền não, nên là một biện pháp phòng thủ. Tối thiểu chúng ta sẽ có thể ngăn ngừa sự khởi
đầu bị hướng dẫn bởi những cảm xúc phiền não.
Đó là giới, shila, hay đạo đức luân lý.
Một khi chúng ta phát triển điều này bằng việc tập quán hóa chính chúng
ta với nó, cùng với chính niệm và ý thức, cuối cùng khuôn mẫu ấy và lối sống ấy
sẽ trở thành một bộ phận của đời sống chúng ta.
Giới
là căn bản mà trên ấy chúng ta dấn thân trực tiếp với những cảm xúc phiền
não. Khi chúng ta có một thân thể cường
tráng, tay chúng ta mạnh mẽ và vững vàng chúng ta có thể sử dụng cây búa một
cách hiệu quả để đốn cây. Giới như năng
lượng ấy và thân thể khỏe mạnh. Với cánh
tay mạnh mẽ và vững vàng, chúng ta có thể đánh trúng mục tiêu liên tục ở cùng một
vị trí. Định, samadhi, như cánh tay ấy. Và tuệ trí như cây búa thật sự đốn cây.
Thế
thì quán - hay vipassana là gì? Có nhiều
loại vipassana - thiền quán về sự chết, vô thường và nhiều loại thiền tập liên
hệ khác. Theo Bồ Tát Thừa, thiền quán
vipassana là tuệ trí sinh khởi từ thiền phân tích mà việc ấy là nhận ra và thiền
tập trên bản chất cứu kính của tự thân, của người khác và tất cả mọi hiện tượng. Đấy là tánh không, shunya.
Nhằm
để thực chứng tính không, chúng ta trước nhất phải lưu tâm đến những khác biệt
giữa hiện tướng và thực tại. Vấn đề
chính ở đây là những mâu thuẩn, những sự vật xuất hiện trong một cách trong khi
thực tại có thể hoàn toàn khác biệt. Khi
chúng ta nói về tánh không - bản chất cứu kính mà chúng ta gọi là không, hư vô
- nó là sự vắng mặt của sự tồn tại cố hữu.
Nhưng đối với những giác quan của chúng ta, và đối với não bộ , mọi thứ
xuất hiện giống như chúng tồn tại bởi chính chúng - tồn tại một cách cố hữu. Nếu mọi vật tồn tại thật sự như chúng xuất hiện,
thế thì chúng phải rõ ràng hơn qua thiền phân tích. Nhưng nếu chúng ta khảo sát, chúng ta không
thể tìm thấy chúng. Có một sự khác biệt
giữa hiện tướng và thực tại. Nhằm để làm
điều rõ ràng, văn học Phật Giáo nói về hai chân lý, nhị đế: chân lý quy ước (tục
đế), và chân lý cứu kính (chân đế).
Khả
năng của bản chất cứu kính được làm rõ ràng khi chúng ta nghiên cứu hai chân
lý. Việc thực chứng chân lý cứu kính hay
bản chất cứu kính của tất cả mọi hiện tượng trực tiếp ảnh hưởng đến những cảm
xúc phiền não, bởi vì một cách tổng quát tất cả mọi cảm xúc phiền não căn cứ
trên cấu trúc rằng mọi vật tồn tại một cách độc lập. Một khái niệm như vậy hoạt động như căn bản cho tất cả mọi cảm xúc
phiền não. Đấy là trình độ thứ hai - sự
giao tranh trực tiếp, chiến đấu và kiểm soát kẻ thù nội tại là những cảm xúc
phiền não.
Khi
chúng ta đạt được chiến thắng đối với những cảm xúc này, đấy là giai tầng giải
thoát, moksha hay niết bàn. Một khi
chúng ta chiến thắng trong hành động công kích này, vẫn không có nghĩa là mọi
thứ hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát. Một
vài kẻ bắn tỉa có thể vẫn còn tồn tại.
Do thế, nhằm để loại trừ tất cả những dấu vết tiềm tàng của những cảm
xúc phiền não, chúng ta đòi hỏi rất nhiều nổ lực. Tại giai tầng này, được động viên bởi tâm bồ
đề, chúng ta dấn thân trong sáu hay mười ba la mật, hay những toàn thiện, và xa
hơn thúc đẩy việc thực chứng tánh không, shunyata. Đây là sự thực hành của Bồ Tát.
Bây
giờ, rõ ràng rằng sự thực tập phải được thực hành từng bước một. Ở đây, chúng ta cần kiên nhẫn hơn. Khi chúng ta giải thích Quả Phật hay giải
thoát, đôi khi người ta cảm thấy rất hứng thú.
Và khi chúng ta chi tiết hóa điều này nhằm để đạt đến mục tiêu ấy, chúng
ta phải đi từng bước một, người ta đôi khi đánh mất kiên nhẫn. Việc ấy là không tích cực. Tôi nghĩ trong vài trường hợp, những người
Tây Tạng chúng tôi thiếu nghiêm túc.
Chúng tôi biết Đạo Phật rất tốt, nhưng trong dạng thức của thực hành,
chúng tôi đôi khi lười biếng. Một số Phật
tử mới của chúng tôi, đặc biệt từ phương Tây, là rất nghiêm túc - đôi khi quá
nghiêm túc. Sau một vài năm, họ đánh mất
say mê trong sự thực tập một cách hoàn toàn!
Nghiêm túc là tốt, nhưng chỉ nếu được đồng hành với nhẫn nại. Không có nhẫn nại nó có khuynh hướng đưa đến
thảm họa.
Việc
tẩy sạch tất cả những dấu vết cảm xúc phiền não đúng hơn là khó khăn. Đây là chỗ mà tantra, đặc biệt là Đại Tantra
Yoga Tối Thượng, liên hệ. Nhưng điều ấy
hoàn toàn không dễ dàng, như một phẩm chất đặc biệt đòi hỏi tại trình độ ấy.
Cho
dù tin tưởng hay không, trước tiên chúng ta là những con người. Và như những con người, chúng ta có khả năng
kỳ diệu để biết những hậu quả tích cực và tiêu cực về lâu về dài cũng như ngay
trước mắt. Về phương diện đạo đức, chúng ta có trách nhiệm lớn lao trong việc
chăm nom không chỉ đồng loại con người chúng ta mà cả những chủng loại động vật
khác, khác hơn loài người, cũng như môi trường của chúng ta. Do vậy, chúng ta phải cố gắng để hướng đạo một
cuộc sống con người tốt đẹp, tương ứng, xứng đáng, và là những con người với
trái tim nồng ấm, nhiệt tình. Điều này tự
động sẽ mang đến một niềm hạnh phúc hơn cho cuộc sống con người chúng ta và đến
gia đình và cộng đồng chúng ta. Nó tự động
làm lợi lạc cho tự thân cũng như cho những người khác.
Những
người trong chúng ta cho mình là Phật tử phải thực hành Phật Pháp một cách chân
thành và không chỉ toại nguyện với trình độ tri thức. Hãy bao hàm nó trong đời sống hàng ngày với nổ
lực liên tục; thời gian là một nhân tố rất quan trọng và chính yếu. Nếu chúng ta dự liệu những gì lớn lao vào lúc
khởi đầu, sự thay đổi tâm linh to tát trong tâm thức trong một thời điểm ngắn hạn,
đấy không phải là một dấu hiệu lành mạnh.
Chúng ta phải tính đến thời gian vô số kiếp. Nó thật sự sẽ cho chúng ta sức mạnh nội tại. Kinh điển của chúng ta nói rằng, trong ba năm
chúng ta có thể đạt được Phật Quả. Tôi
nghĩ điều này không thực tiển. Đôi khi
hơi thổi phồng ở đây ở kia, nhưng ngay cả nếu chúng ta thật sự tin tưởng, tôi
không tin chúng ta có thể đạt được Phật Quả trong ba năm thậm chí chúng ta như
Milarepa là một bậc với quyết tâm mạnh mẽ với trái tim không thể hủy hoại được. Trong những bậc đại du già, thánh nhân, và hành
giả, tôi chưa từng nghe ai có thể đạt đến Phật Quả trong ba năm.
Do
thế, đòi hỏi ba năm là không đủ. Chúng
ta phải dự tính thật tốt, không chỉ cho năm nay, không chỉ cho đời sống này,
nhưng cho hết đời này đến đời khác, hàng thế kỷ và vô số kiếp. Khi tôi nghĩ về những a tăng kỳ kiếp, những đại
vô tận kiếp, nó thật sự làm cho tôi tĩnh lặng chân thành, và tôi thật sự có được
sức mạnh nội tại.
HỎI
& ĐÁP
HỎI: Hạnh phúc là gì và cuộc sống là gì? Giác ngộ là gì?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Theo kinh nghiệm của riêng tôi, chúng ta cảm
thấy toại nguyện, tĩnh lặng và hạnh phúc.
Hạnh phúc là hạnh phúc! Mọi người đang cố gắng để đạt được hạnh phúc.
Cây
cỏ có sự sống, nhưng tôi không chắc là chúng có cảm giác hay không. Chúng ta, trái lại, kinh nghiệm khổ đau và
vui sướng. Khi chúng ta nói về chúng
sinh, chúng ta liên hệ đến những tạo vật có sự sống cũng như những kinh nghiệm
đớn đau và khoái lạc của chúng.
Giác ngộ, như tôi đã đề cập một cách vắn tắt trước
đây, là sự hiểu biết hoàn toàn - không si mê và không chướng ngại. Tâm vi tế của chúng ta - điều mà chúng ta gọi
là linh quang - có mọi khả năng để đạt đến giác ngộ và sự tỉnh thức tròn vẹn. Nhưng bây giờ, do bởi si mê, có nhiều chướng
ngại trên bộ mặt của sự tỉnh thức hoàn toàn.
Khi tất cả nhân tố tiêu cực biến mất, năng lực hay sức mạnh của tỉnh thức
được phát triển hoàn toàn và đấy là những gì chúng ta gọi là Giác ngộ.
HỎI: Có thể
gánh chịu nghiệp quả của người khác vì người ấy không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Nói một cách tổng quát, theo giáo huấn nhà Phật,
chúng ta sẽ không chạm trán với kết quả của một hành vi mà chúng ta đã không phạm
phải, và một khi chúng ta đã thực thi một hành động, hậu quả sẽ không bao giờ mất
đi. Ở đây, tôi nghĩ thật quan trọng để
có một sự phân biệt. Khi chúng ta đau khổ,
chúng ta không chỉ cảm thấy đau đớn hay không thoải mái ngay thời điểm ấy,
nhưng cũng là một loại bất lực và nản chí.
Chúng ta hoàn toàn bị che phủ bởi nổi khổ ấy và như có một bóng đen tối. Từ bi là khi chúng ta có sự quan tâm đến khổ
đau của kẻ khác và chia sẻ nổi khổ đau của họ trên căn bản là những người khác
cũng có quyền bình đẳng như ta để hạnh phúc.
Nổi khổ đau lúc ấy có thể làm cho chúng ta đau buồn hay làm hơi mất thoải
mái, nhưng sự bức rức ấy được chấp nhận một cách tự nguyện với lý trí do bởi những
nhận thức này và quyết định chia sẻ nổi khổ của họ. Vì thế sự buồn phiền và khó chịu ấy không để
lại dấu vết đen tối trong tâm thức chúng ta.
Chúng ta phải thật rõ ràng và thật cảnh giác nếu chúng ta tự nguyện lãnh
lấy khổ đau của kẻ khác.
HỎI: Trong
thiền quán vipassana, sự chuyển hóa nào xảy ra khi sự chú ý của hành giả di chuyển
từ bộ phận này đến bộ phận khác của thân thể?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Có nhiều loại thiền quán khác nhau. Theo như tôi biết, có một loại thiền quán lưu
tâm đến thân thể. Khi chúng ta có sự luyến
ái, chúng ta có một nhận thức rõ ràng về "thân thể tôi" và vào lúc ấy
chúng ta đồng nhất với nó. Chúng ta cảm
thấy rằng có một thân thể độc lập tồn tại.
Nếu chúng ta thiền tập trên những bộ phận khác nhau của thân thể, cuối
cùng cảm giác về một thân thể chắc thật hay điều gì đấy rất quý giá biến mất. "Thân thể tôi" bắt đầu có nghĩa như
bao hàm nhiều phần tử và những sự phối hợp khác nhau. Một khi chúng ta nhận ra điều ấy, cảm nhận của
chúng ta về sự cụ thể, thống nhất và quý giá không còn tồn tại nữa.
Chính
niệm về thân thể liên hệ đến thiền quán trên những bộ phận khác nhau của thân
thể. Thiền tập quan trọng nhất và năng lực
nhất của thiền quán vipassana là thiền quán về tánh không hay shunyata.
HỎI: Một câu hỏi cá nhân, tôi thất bại nhiều trong cuộc sống, nhưng cha tôi đã giúp tôi
trong mỗi bước. Ông nói với tôi rằng tôi
phải trở thành một người khá hơn từ những thất bại của tôi. Trong vài tháng, tôi trở nên rất tĩnh lặng,
tôi không bị mất sự điềm tĩnh của tôi nhiều, nhưng bây giờ tôi đã có việc làm
và thành công trong đời sống, tôi đã bắt đầu đánh mất sự điềm tĩnh của
tôi. Tôi muốn đạt được điều gì đấy trong
đời. Có
sai không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Việc này khó trả lời. Tôi không biết căn bản niềm tin của bạn là
gì, hay thái độ của bạn đối với cuộc sống và đối với những đời sống quá khứ và
tương lai ra sao, tôi không biết chắc về lối sống của bạn. Sẽ có những công thức khác nhau tùy thuộc vào
thái độ của bạn đối với cuộc đời của chính bạn.
Một cách tổng quát, bất cứ khi điều gì tiêu cực sinh khởi, tôi luôn luôn
cố gắng để nhớ rằng những người khác
cũng ít nhiều có những kinh nghiệm tương tự như thế. Suy nghĩ trong cách ấy thư thả một gánh nặng
tinh thần nào đấy của tôi. Cũng thế, tôi
luôn luôn cố gắng để tìm một khía cạnh tích cực nào đấy của trường hợp tiêu cực
ấy. Đôi khi, nhận thức này cho phép
chúng ta một kinh nghiệm tích cực và sáng tạo hơn. Vì vậy, bản chất của một sự kiện là tương đối. Một sự kiện có thể có những khía cạnh khác
nhau và nếu chúng ta nhìn một cách sâu sát hơn, chúng ta có thể tìm thấy điều
gì tích cực. Nó có thể không tích cực
trong tự nó, nhưng nó có thể giảm thiểu sự nản chí của chúng ta.
Tự
tin là quan trọng. Con người có một bộ
não và sự quyết tâm diệu kỳ. Phật tử gọi
đấy là Phật tánh, hạt giống Phật. Thậm
chí không thảo luận những việc này, chúng ta cũng có khả năng để đạt được
chúng; nếu chúng ta sử dụng sự thông minh của chúng ta với sự nhẫn nại lớn hơn
và nổ lực liên tục, ngay cả nếu chúng ta thất bại ba lần đầu tiên, thì vẫn có một
khả năng căn bản để đạt đến mục tiêu.
HỎI: Có thể không phải trong ba năm, nhưng nhiều vị
thầy nói việc thực chứng cứu kính có thể xảy ra ngay lập tức (đốn ngộ), như đối
lập với việc phải qua lối tu đường dài (tiệm tu). Xin hãy bình giải.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Việc ấy thỉnh thoảng thật sự xảy ra, nhưng chỉ
với nhiều nguyên nhân và điều kiện.
Trong một số trường hợp, việc ấy xảy ra tại một trình độ vô hình. Khi những nguyên nhân và điều kiện chín muồi tròn đủ, thế thì nó xảy ra một cách
tức thời. Những kinh nghiệm tâm linh phi
thường nào đấy thật sự xảy ra.
HỎI: Khi tất
cả các tôn giáo dạy về từ ái, bi mẫn, và tình huynh đệ, tại sao con người đang
chiến đấu nhân danh tôn giáo, đặc biệt ở lục địa của chúng ta?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Hầu hết mọi trường hợp, các cá nhân đơn giản
vui thích gán cho họ. Thí dụ, tôi có thể
nói, "tôi là một Phật tử", và được bao hàm với danh xưng ấy. Người ta không phiền với sự thực tập, hướng đạo,
hay tư duy hàng ngày; họ không buồn dấn thân sâu hơn trong ý nghĩa. Phật Giáo trong trường hợp của tôi coi như là
hướng dẫn tôi và hạnh kiểm của tôi. Đấy
là cả cung cách suy nghĩ và thái độ cũng như phương tiện để tái tạo những thứ
này. Nhưng đôi khi người ta không quan
tâm đến nó một cách nghiêm túc. Do thế,
nếu tôi không có ý định thay đổi theo lý tưởng Phật Giáo, nhưng tiếp tục sử dụng
Đạo Phật cho đấy là "tôn giáo của tôi", thế thì tôi đang lợi dụng Đạo
Phật bởi vì tôi cần sức mạnh của tôn giáo.
Tương
tự thế, khi bạn nói, "tôi là Ki Tô hữu", bạn nguyện ước Ki Tô Giáo
như sự ủng hộ của bạn. Và bạn không bao
giờ được tiếp xúc với truyền thống ấy và chẳng bao giờ được thay đổi. Khi một người hoàn toàn si mê, vở mộng hay
thù hận lợi dụng tôn giáo, đấy là một thảm họa.
Những gì chúng ta cần làm là tự
kiểm soát lại mình, tự xem mình là một hành giả và một môn đồ chân thành của
truyền thống ấy. Chỉ như thế, chúng ta mới
trở thành một con người khác biệt.
Có
những hành giả chân thật nào đấy, vì si mê và thiếu sự tiếp xúc, chỉ tin tưởng
trong tôn giáo của họ và xem những truyền thống tôn giáo khác là sai. Trong một số trường hợp, đấy là kết quả của
giáo lý hay sự giảng dạy, nhưng thường là qua sự thiếu tiếp xúc, thiếu sự tỉnh
thức và sự thấu hiểu thật sự của giá trị của truyền thống khác. Một khi chúng ta nhận ra rằng có những người
tuyệt vời trong Ki Tô Giáo, Hồi Giáo, chúng ta tự động phát triển một sự cảm
kích đối với truyền thống của họ.
Tín
đồ của mỗi tôn giáo nên kiểm tra lại chính mình, xem ta có là những môn đồ chân
thật hay không, và truyền thống của mình có đang được thực hành một cách chân
thành hay không. Sự giao tiếp hay trao đổi
liên tục với những tôn giáo khác là một yêu cầu. Sáng nay tại Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới lần
thứ bảy ở Delhi, tôi đã đề cập rằng nhằm để phát triển một sự hòa hiệp chân
thành, phải liên tục có những cuộc gặp gở trước nhất trong những lãnh đạo, thứ
hai là trong những học giả và thứ ba là trong những người nào có những
kinh nghiệm sâu sắc. Các cuộc gặp gở giữa những người này là cần yếu. Một khi chúng ta biết những giá trị sâu sắc của
nhau và khả năng của tiêu cực trong tâm thức con người, một khi chúng ta biết
nhau, thì điều ấy rất lợi ích.
HỎI: Từ bi
có thể được phát sinh hay phát triển như thế nào trong đời sống của chúng ta và
nó có thể được thực hành như thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA:
Qua quán (thiền phân tích) cũng như chỉ (thiền tập trung). Thiền quán liên hệ đến việc thẩm tra liên tục
giá trị của từ bi. Một khi chúng ta trở
nên một con người từ bi hơn, chúng ta có một lòng tự tin thật sự. Chúng ta trở nên một con người tĩnh lặng hơn
và hạnh phúc hơn, ít sợ hãi hơn và vững vàng hơn; chúng ta trở nên cởi mở hơn
và giao tiếp tốt đẹp hơn với những người khác; chúng ta có nhiều bạn bè hơn và
nhiều nụ mĩm cười hơn. Về mặt khác, hãy
thẩm tra thù hận - giá trị của nó là gì?
Thù
hận phá hủy hạnh phúc của chúng ta, hạnh phúc của gia đình chúng ta cũng như hạnh
phúc ở trình độ quốc gia và quốc tế. Nếu
chúng ta ở trong một cuộc ẩn tu ba năm và chúng ta thiền tập về thù hận, chúng
ta sẽ không bao giờ trải nghiệm tĩnh lặng, chúng ta sẽ luôn luôn cẩm thấy không
thoải mái và cuối cùng chúng ta sẽ đánh mất sự ngon miệng, mất ngủ, và đánh mất
đời sống của chúng ta. Đấy là những gì
thù hận tác động. Do vậy, bạn thấy, giống
như một nhà khoa học, chúng ta phải cố gắng để thẩm tra những khía cạnh tích cực
và tiêu cực của những thứ này một cách liên tục. Hãy cố gắng để loại bỏ những khía cạnh tiêu cực
và thúc đẩy hay sản sinh những phẩm chất tích cực qua phân tích.
Như
trong những vấn đề vật chất chúng ta duy trì những khía cạnh tích cực nào đó và
loại bỏ những thứ khác, việc ấy cũng vậy đối với tâm thức. Những tâm thức nào đem đến cho chúng ta hạnh
phúc, tĩnh lặng và sức mạnh nội tại và nhiều bạn bè hơn là tích cực. Những tâm thức nào cuối cùng phá hoại những
thứ này là tiêu cực. Vì vậy hãy phân
tích những thứ này. Một khi chúng ta đạt
được một loại tin tưởng nào đấy và hoàn toàn xác định, qua thiền phân tích, thận
trọng về nó trong một thời gian ngắn. Nếu
là một người tín ngưỡng, hãy trì chú hay niệm Phật. Đấy là phương pháp - một loại thiền phân tích
nào đấy, rồi vào lúc cuối, thiền tập trung.
Khi năng lực của sự vững vàng ấy bị giảm thiểu, hãy đi vào thực tập thiền
phân tích lại một lần nữa.
HỎI: Nếu người
ta ở trong một nổi thống khổ lớn và nhận ra nó như tác động của nghiệp quá khứ,
nhưng không chịu nổi đớn đau, người ta
phải làm thế nào? Cầu nguyện có
giúp ích gì không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA:
Theo một số truyền thống như Đạo Phật, sám hối những hành động tiêu cực là một
phương pháp. Phật Giáo Mật Thừa Tây Tạng
đề xuất việc trì niệm một số mật ngôn, làm một hình tượng nào đấy, và nhiều tôn
giáo có sự thực hành bố thí. Bổ sung
thêm thì người ta có thể cầu nguyện.
HỎI: Có thể
hay thích hợp để biểu lộ lòng từ bi đến ai đấy người tiếp tục làm tổn hại hay
làm tổn thương chúng ta không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Ô vâng! Điều ấy là quan trọng nhất! Kẻ thù hay những người khác đang cố gắng làm
tổn hại hay đang làm tổn hại chúng ta - mặc dù thái độ người ấy đối với chúng
ta là tiêu cực - rốt cuộc cũng là một con người và cũng có quyền để vượt thắng
khổ đau và đạt đến hạnh phúc. Trên căn bản
ấy, chúng ta phải trau dồi từ bi đối với con người ấy. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chính đáng cúi lạy trước mặt
kẻ thù. Có những lý do khác nhau - những
lý do đủ để cảm nhận từ bi, và cũng như, trong một vài trường hợp, lý do đủ để
đối mặt với kẻ thù. Đây là hai thứ khác biệt.
HỎI: Tại sao
chúng ta phải cố gắng để loại trừ khổ đau?
Không phải nó là một bộ phận căn bản của đời sống cũng như hạnh phúc chứ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Nếu bạn thỏa mãn với đời sống hàng ngày với tất
cả những khổ đau của nó, thế thì quá tốt.
Bạn không phải lo lắng hay thực hiện nổ lực nào.
HỎI: Xin Đức
Thánh Thiện hãy diễn tả cuộc viếng thăm của ngài đến chương trình Baba
Amte? Chúng ta có thể học hỏi gì từ thực
tế hình thức Baba về từ bi?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Từ bi thực tiển - tôi tin rằng đấy là một
cung cách thích đáng để phát triển Ấn Độ.
Chỉ có một ít công trình kỷ nghệ gần thành phố là không đủ. Dĩ
nhiên, điều ấy tốt và cần thiết và là một
bộ phận của sự phát triển nhưng sự chuyển hóa và thay đổi Ấn Độ phải đến qua những
việc làm của mọi người như Baba Amte - việc làm được hoàn thành tại cấp độ của những người thường dân. Tôi đặc biệt ấn tượng với khu vực mới. Tôi nghe nói rằng trước đây nó chỉ là một trổng
rỗng, không người ở. Bây giờ nó đã được
chuyển hóa thành một ngôi làng nhỏ đầy tâm linh và niềm tin con người. Khi tôi ở đấy, một bệnh nhân chỉ có hai ngón
tay đang sử dụng búa rất năng động. Tôi
nghĩ bởi vì tôi ở đấy, nên năng lực của ông có vẻ mạnh hơn. Tôi hơi lo ngại rằng cây búa của ông có thể
đánh trúng tay ông. Nơi ấy đầy sinh khí
và con người không có cảm giác hạ liệt, chỉ có một cảm nhận bình đẳng. Chúng tôi đã bắt tay nhau mà không có
chút do dự nào. Điều ấy hoàn toàn kỳ diệu, rất đẹp. Tôi thật sự rất ấn tượng.
HỎI: Tại sao
chúng ta đến thế giới này?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Tự nhiên là tự nhiên. Không có câu trả lời.
HỎI: Ngài
nói rằng sự phát triển động cơ thích đáng là nhân tố chìa khóa. Chúng ta phát triển động cơ ấy như thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Tôi nghĩ là tôi đã giải thích rồi - qua việc
rèn luyện tâm thức, qua phân tích trên những kinh nghiệm quá khứ của chúng ta,
thẩm tra những kinh nghiệm của chính mình cũng như của những người khác, như
Thánh Gandhi, hay Baba Amte. Khi tôi gặp
Baba Amte, mặc dù điều kiện thân thể của ông khó khăn, ông có nụ cười trên môi,
ông có một đời sống trọn vẹn, tràn đầy tâm linh rực rở. Đấy là kết quả của từ bi và tự tin. Những người như Hitler hay Mao cũng có năng lực
kỳ diệu như vậy, nhưng họ đầy nghi ngờ và thù hận. Tôi nghĩ Mao là một người khôn ngoan - đầy tự tin - nhưng nghi ngờ ngay cả
những đồng chí thân cận của ông. Một khi
có sự nghi ngờ và thù hận như vậy, người ấy không thể hạnh phúc. Do thế, từ bi là quan trọng bởi vì tất cả
chúng ta muốn hạnh phúc trong cuộc sống.
HỎI: Phương
pháp tốt nhất để giảm thiểu dân số là gì?
Triết lý Phật Giáo có một vai trò nào không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Dĩ nhiên, là nhiều tăng ni hơn! Tôi gọi đấy
là sự kiểm soát sinh sản bất bạo động.
Điều ấy là cần thiết.
HỎI: Dưới cặp
mắt của ngài trong lần đầu tiên viếng thăm Jerusalem, thông điệp của ngài trong
mối quan hệ liên tôn là gì?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA: Một vài năm trước đây tôi đã bắt đầu một sự
thực tập mà tôi xem là một bước để tiến tới việc thiết lập hòa hiệp giữa những
tôn giáo: một người hành hương đến những
thánh địa với một nhóm người từ những tôn giáo khác nhau. Tất cả chúng tôi tập họp lại và cầu nguyện với
nhau trong im lặng, và đấy là một kinh nghiệm thật đẹp. Tôi đã bắt đầu với Sanarth - Lộc Uyển. Năm ngoái ở Trivandrum[1],
ở Kerala, tôi đã có cơ hội để thăm viếng một đền thờ Hổi Giáo, một thánh đường,
và một đền thờ Ganesh. Tôi đã thấy một bức
tượng Ganesh bằng bạc. Tôi nghĩ Ganesh
có một cái bụng rất dễ thương; sau lần thăm viếng ấy, tôi nghĩ tôi nên cúng một
số tiền, nhưng tôi đã không làm thế. Thế
nào đi nữa, tôi yêu mến Ganesh ấy. Tại đền
thờ Hổi Giáo lần đầu tiên tôi có cơ hội cầu nguyện chung với những huynh đệ Hồi
Giáo. Điều này tôi thật sự cảm thấy là một
phương pháp đầy năng lực để giao tiếp với những người từ những tôn giáo khác
nhau. Tôi đã thấy Jerusalem nhiều năm về
trước, sau lần ấy tôi rất nhiệt tâm để đến những thánh địa như Jerusalem.
Mới
đây tôi đã thăm Lourdes ở Pháp - nơi Đức Mẹ Mary đã xuất hiện. Thật là kỳ diệu. Tôi không phải là một Ki Tô hữu, tôi là một
Phật tử. Và trong cách ấy tôi là một người
không tín ngưỡng. Tôi không tin ở Thượng
Đế. Những Phật tử chúng tôi không chấp
nhận một đấng tạo hóa. Tuy nhiên, tôi
tôn trọng sâu xa và cảm kích truyền thống Ki Tô Giáo và tất cả những tôn giáo
khác. Do thế, khi tôi ở đấy, tôi cảm thấy
toại nguyện sâu xa. Điều ấy hoàn toàn kỳ
diệu. Nếu có thể, tôi cũng sẽ đến Mecca,
nhưng tôi không biết khi nào. Tôi đang
hướng đến việc đi tới Jerusalem với một nhóm người thuộc những tôn giáo khác
nhau.
HỎI: Nếu tất
cả chúng ta là những con người, điều gì khác biệt giữa tôi và ngài?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT
MA:
Tôi nghĩ có một sự khác biệt lớn lao. Bạn
là bạn và tôi là tôi!
Modern
School, Barakhamba, 1994
Nguyên
tác: Compassion and Nonviolence
Ẩn
Tâm Lộ ngày 24/6/2012
[1] Thiruvananthapuram [t̪iruʋən̪ɨn̪t̪əpurəm] trợ giúpchi tiết (tiếng Malayalam: തിരുവനന്തപുരം Tiruvanantapuraṁ), cũng gọi là Trivandrum,
là thủ phủ bang Kerala và quận
Thiruvananthapuram của Ấn Độ. Thành phố này nằm ở bờ biển
phía tây của Ấn Độ, gần cực nam của đại lục. Thành phố này được Mahatma Gandhi gọi là "thành phố thường xanh của Ấn Độ",
đây là thành phố có địa hình đặc trưng của đồi thấp ven biển và các thung lũng
thương mại.
No comments:
Post a Comment