Biểu tượng tôn quý của Tượng Phật Ngọc
[06.10.2010 12:52] - Tuệ Uyển
Diễn từ của Hòa thượng Thích Tịnh Từ Viện Trưởng Tu Viện Kim Sơn & Liên Trì, tại lễ Cung Nghinh Phật Ngọc của Tu Viện Tường Vân, Virginia, Hoa Kỳ ngày 26 tháng Sáu, năm 2010, do Bhikshu Thích Từ-Đức tuyên đọc.
Mỗi người là một viên ngọc quý Tượng Phật ngọc là sự biểu trưng Hãy tìm chân Phật trong hơi thở Từng nụ cười lạc trú từng giây.
Thưa đại chúng,
Tượng Phật ngọc cũng là biểu trưng cho Pháp bảo, tức là những lời dạy của Đức Phật. Bất cứ ai mà chuyên tâm quán chiếu và thực tập lời Đức Phật dạy để:
Đoạn bỏ suy tư nói làm xấu ác Nghĩ, nói và làm các việc lành Gọi đó pháp bảo và ngọc quý Phù hợp thánh ý Đức Như Lai
Như vậy, chiêm ngưỡng tượng Phật ngọc là một phước báu, nhưng sự thực hành pháp bảo để thoát ly tâm tham, tâm giận, và tâm si mê thì hạnh phúc rất nhiều và phước báu lớn hơn.
NHỮNG LỜI PHẬT DẠY TRỪ ĐAU KHỔ CHO CON NGƯỜI: Đức Phật là con của vị vua, vốn có phong thái tao nhã, cao thượng, từ ái, rộng lượng và bao dung của phẩm tướng Vương triều. Ngài cũng tự tại khi giao tiếp với tất cả các bậc Vua chúa, tướng lãnh, đạo sư và các nhà trí thức, chính trị, triết gia, tôn giáo, văn hóa, giáo dục uyên bác. Cho đến khi tầm đạo, tu đạo, và trở thành bậc Thầy có lòng từ bi, trí tuệ siêu việt, Ngài có thể trò chuyện với bất cứ tầng lớp người nào, cũng với tánh khiêm cung, thương yêu, và tiếp xử trao truyền giáo pháp bình đẳng, không phân biệt trí thức, bình dân, sang giàu, nghèo khó. Suốt quá trình 45 năm hành đạo, dạy đạo, Ngài chỉ lặp đi lặp lại một điều duy nhất:
Hãy đến với nhau như ruột cật Bản tánh Phật có sẳn trong ta Ta ra đời chỉ có mục đích Dạy con người trở lại tâm chơn (Phật tánh của mình)
A- LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ LẠI TÂM CHƠN?
Hãy tu tập thiền quán và nương hơi thở làm đề mục:
Khi thở vào biết ta đang thở vào Khi thở ra biểt ta đang thở ra Thở vào, thở ra thầm đếm một Thở vào, thở ra thầm đếm hai.
Cứ như thế ta nên thực tập vài ba phút, năm mười phút cho chí một phút, hoặc vài ba giây bất cứ lúc nào và bất cứ làm gì và đang ở đâu. Hơi thở rẩt mầu nhiệm. Hơi thở là sự sống. Ta còn thở, ta có ý thức về từng hơi thở ra hơi thở vào là ta nuôi dưỡng được sự tỉnh thức, thanh lọc được cảm giác, suy nghĩ và tự nhiên nói năng rất dễ thương, hành xử rất nhẹ nhàng, cởi mở thánh thiện. Hơi thở chính là pháp, là sự sống.
Một người không biết thực tập hơi thở người ấy rất dễ bị căng thẳng, tinh thần rối loạn, tâm trí dễ bị ám ảnh ma quỷ, sự bạo hành, sát hại và đưa đến sự mất ngủ, sợ hãi và chối bỏ thiện ý, chối bỏ hiện thực của đời sống bản thân, người thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
* Tập thiền quán qua hơi thở, thân tâm được tiếp cận với nhau và giúp ta có sức khỏe tốt, có được một tâm trí sáng suốt và một tinh thần tự tin, ổn định.
* Tập thiền quán qua hơi thở, ta có thể mĩm cưởi với chính chúng ta, người khác và với mọi đối tượng chung quanh rất dễ dàng.
* Tập thiền quán qua hơi thở, ta lần lựa từ bỏ được những phán đoán sai lầm đối với bản thân ta và người.
* Tập thiền quán qua hơi thở, ta có thể hiểu rõ tình trạng khó khăn, khổ đau của người khác một cách khách quan và đem tâm giúp dở.
* Tập thiền quán qua hởi thở, ta nuôi dưỡng năng lượng hiểu biết thương yêu lớn dậy mau chóng.
* Tập thiền quán qua hơi thở, ta dễ dàng từ bỏ được những tập khí lo âu, sợ hãi, bạo động và bi quan.
B- THỰC TẬP THIỀN QUÁN LÀ NGUYÊN TẮC CHUYỂN HÓA BA CĂN BẢN PHIỀN NÃO: THAM ÁI, SÂN HẬN VÀ SI MÊ.
Ta biết rằng tham ái, sân hận, si mê là gốc rể của mọi đau khổ, đọa lạc và là nội kết của sinh tử, sáu nẽo trầm luân. Hãy quán chiếu cho sâu sắc và thực tập nội dung các bài thi kệ có năng lực kỳ diệu sau đây:
• Quán chiếu và hóa giải tâm tham ái:
Thi kệ một:
Tham ái chất độc hại Tạo khổ đau luân hồi Tập tham thiền quán chiếu Trừ ái dục tham tâm.
Hể còn tham ái là còn đau khổ, Đức Phật đã dạy như vậy bằng kinh qua và sự chứng nghiệm của bản thân. Tài sắc, danh sắc, cho chí ăn uống, ngủ nghỉ, tình cảm, v.v.... mà thiếu cân nhắc, say đắm không cùng là nguyên nhân dẫn tới đọa lạc, khổ đau. Nhìn rõ điều này và trừ bỏ được tham ái phải bằng vào tuệ giác của chánh niệm và tham thiền.
Thi kệ hai:
Nhờ thiền có tuệ giác Ái dục được diệt trừ Không thiền không tuệ giác Ái dục cứ theo sau.
Nhờ thiền quán mà ta có chánh niệm. Nhờ chánh niệm mà ta thấy rõ ý nghĩ lời nói và hành động mang tập khí tham ái - Thấy rõ tham ái, ta tự dặn dò với lòng:
Thi kệ ba:
Đây tam tham ái xấu ác Nguyện quyết không khởi sinh Tâm tham ái đoạn diệt Lòng nhẹ khỏe thảnh thơi.
• Quán chiếu và hóa giải tâm sân hận:
Thi kệ một:
Cơn giận làm tôi xấu Biết vậy tôi thở cười Thủ hộ thân miệng ý Quán từ quán bi tâm.
Tâm từ và tâm bi là biểu tượng đẹp nhất của Phật tính và cũng là hình ảnh biểu tượng của tượng Phật ngọc. Vì vậy, chiêm ngưỡng lễ lạy tôn tượng Phật ngọc một cách đúng với lời Phật dạy, là nuôi dưỡng tâm thương yêu, và sự thấu hiểu đạo lý duyên sinh, vô ngã, không tướng một cách sâu sắc bằng tâm hiền lành không sân hận.
Thi kệ hai:
Phật không phải sắc tướng Tập sống hạnh thanh cao Từ bỏ tâm tham giận Là tôn kính Như Lai.
Giáo pháp và hình tượng của Phật là quý báu, nhưng đó cũng chỉ là phương tiện và biểu tượng về bản chất thương hiểu sâu sắc của mỗi người của mỗi vị Phật đã thành đạo. Vì thế, Đức Phật dạy:
Tôn kính và lễ Phật Nghĩ, nói, làm điều lành Đoạn trừ các điều ác Là kính lễ Như Lai.
• Quán chiếu và hóa giải tâm si mê:
Thi kệ một:
Tạo nhân khổ lớn nhất Là tà kiến si mê Không thấu hiểu nhân quả Không chứng đạt pháp không.
Pháp không là mọi khổ vui, tốt xấu của mỗi người đều được xây dựng trên định luật duyên sinh, vô thường, vô ngã và không tướng. Những vì ta không có trí tuệ nên ta chấp chặt vào ý niệm và các giả danh, giả tướng nên con người mới khởi lên sự: tham ái, sân hận, và si mê. Từ đó mới sinh tâm thương ghét, lấy bỏ, tham chấp, thù oán và bất toại ý. Vì vậy, Đức Phật dạy:
Thi kệ hai:
Vì si mê tà kiến Chấp có và chấp không Tạo khổ đau sinh tử Có địa ngục, niết bàn.
Người học Phật và tu theo Phật không sai lầm, lạc dẫn là người trọng pháp nhưng biết pháp chỉ là người dẫn đường và là bản đồ chỉ đường – Chỗ tới của hạnh phúc là tự bản tâm thanh tịnh, chứ không thể tầm Phật ở nơi kinh pháp, ở nơi hình tượng sắc tướng.
Thi kệ ba:
Tầm ta nơi sắc tướng Cầu ta nơi âm thanh Người ấy lạc nẽo tà Chẳng thấy được Như Lai (Kinh Kim Cương)
C- Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG PHẬT NGỌC
Trong giờ phút yên tịnh, tôn nghiêm trước lễ đài và tôn tượng Phật ngọc chiếu sáng, xim đại chúng chấp tay cung kính hướng về tam bảo, tập trung tâm ý thức, tập chánh niệm qua hơi thở vào ra và cùng nhau đọc chiêm nghiệm ba lời phát nguyện sau đây:
Thứ nhất, Phật ngọc là biểu tượng tâm đại bi của Đức Thế Tôn, chúng con xin phát nguyện thường xuyên trở về với hơi thở trong giây phút hiện tại, để thấy được hạt giống năng lượng của yêu thương đang có mặt trong mỗi chúng con mà biết chăm sóc, trau dồi và nuôi dưỡng mỗi ngày thêm lớn mạnh, nhằm đem đến niềm vui cho mọi loài chúng sanh.
Thứ hai, Phật ngọc là biểu tượng sự trong sáng của tâm hồn, chúng con xin phát nguyện thường xuyên trở về với hơi thở trong giây phút hiện tại, để thấy được hạt giống năng lượng của trí tuệ đang có mặt trong mỗi chúng con, mà biết chăm sóc, trau dồi và nuôi dưỡng mỗi ngày thêm mạnh nhằm hướng dẫn bản thân chúng con và mọi loài chúng sanh thoát khổ.
Thứ ba, Phật ngọc là biểu tượng cho phẩm chất bản tánh hằng hữu, nhiệm mầu, bất sinh và thanh tịnh đang có mặt trong mỗi chúng con, mà biết chăm sóc, trau dồi và làm hiển lộ trong suy nghĩ, lời nói, và cách sống hằng ngày của mỗi chúng con, cùng đem đến lợi lạc cho muôn loài chúng sanh.
Lễ Phật ngọc thâm diệu Tạo công đức vô biên Chúng con xin hồi hướng Cho chúng sinh mọi miền Đủ niểm tin Tam bảo Phật tánh nơi tự tâm.
Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma ha tát
Kính lễ
Xin cảm ơn tất cả quý liệt vị.
Thượng Tọa Thích Viên Đức, Viện chủ Tu Viện Tường Vân và Tỳ kheo Thích Từ Đức.
Tuệ Uyển
|
No comments:
Post a Comment