TÍNH KHÔNG VÀ HIỆN HỮU
Nguyên tác: Emptiness and Existence
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Jeffrey Hopkins - Tuệ Uyển chuyển ngữ 26/09/2010
Nguyên tác: Emptiness and Existence
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Jeffrey Hopkins - Tuệ Uyển chuyển ngữ 26/09/2010
Để phát sinh loại từ ái và bi mẫn thúc đẩy chúng ta kiếm tầm Phật quả, không phải cho riêng chúng ta mà vì lợi ích của những người khác, đầu tiên chúng ta phải đối diện với khổ đau bằng sự nhận diện những thể loại của nó. Đây là chân lý cao quý thứ nhất - khổ đế. Từ lúc chúng ta được sinh ra đến khi chết chúng ta đau khổ tinh thần và đớn đau thân xác (khổ khổ), khổ đau của sự thay đổi (hoại khổ), và khổ đau cùng khắp của điều kiện không thể kiểm soát (hành khổ). Chân lý thứ hai và thứ ba làm cho chúng ta thấu hiểu những nguyên nhân của khổ đau và cho dù những nguyên nhân ấy có được xóa đi hay không. Nền tảng của khổ đau là vô minh si ám – sự lĩnh hội sai lầm về chúng sinh (ngã) và các đối tượng (pháp) tồn tại một cách cố hữu (có tự tính).
Tất cả chúng ta có một ý thức chính xác vững chắc về tự ngã, hay cái “tôi”, nhưng ngoài ra chúng ta cũng có một nhận thức sai lầm về cái “tôi” ấy như một sự tồn tại cố hữu (có tự tính).. Dưới sự ảnh hưởng của vọng tưởng này, chúng ta nhìn tự ngã như sự hiện hữu dưới năng lực của chính nó, thiết lập bởi cung cách tự nhiên của nó, và tự nó có thể hình thành nên sự tồn tại.
Tuy thế, nếu có một cái tôi riêng biệt như thế - tự thiết lập và tồn tại trong năng lực của chính nó – nó phải trở nên rõ ràng hơn và rõ ràng hơn dưới ánh sáng của khả năng phân tích đầy đủ như tự ngã có hiện hữu như thân thể hay tâm thức hay không, hay là tập họp của tâm và thân , hay tự ngã là khác biệt với tâm thức và thân thể. Thực tế, càng quán sát gần gũi hơn, càng không thể tìm thấy nó. Điều này biến thành trường hợp của mọi thứ, của tất cả mọi hiện tượng,[hay tất cả mọi pháp đểu như vậy]. Sự thật rằng chúng ta không thể tìm thấy chúng có nghĩa rằng những hiện tượng đó không tồn tại dưới năng lực của chính chúng; chúng không phải tự hình thành.
Vào một thời gian nào đấy đầu những năm sáu mươi khi chúng tôi đang quán chiếu lại về một đoạn văn của Đạo sư Tông Khách Ba (sơ tổ của tông Hiền nhân-Gelugpa) về khả năng không thể tìm thấy và sự thật rằng hiện tượng ấy là tùy thuộc trên nhận thức, nó giống như tia chớp trên bầu trời. Đây là đoạn văn ấy:
- Một sợi dây ngoằn ngoèo lốm đốm sắc màu và quấn cuộn lại, những thứ đó tương tự như một con rắn, và khi làn dây ấy được nhận thức trong một vùng ánh sáng lờ mờ, một tư tưởng nẩy sinh, “Đây là một con rắn.” Về phần sợi dây, vào lúc ấy khi được thấy như môt con rắn, cái tập họp và những phần tử của làn dây ngay cả không ở trong một cung cách tối thiểu nào của một con rắn. Do thế, con rắn ấy chỉ đơn thuần được thiết lập bởi nhận thức.
Trong cùng cách ấy, khi tư tưởng “tôi” sinh khởi trong sự lệ thuộc vào thân thể và tâm thức, không có điều gì trong tâm thức và thân thể ngay cả trong cách tương tự nhỏ nhiệm nhất của cái “tôi” - cũng không có cái tập họp là điều mà nó là sự tương tục của những khoảnh khắc trước đấy và sau đó, cũng không có tập họp của những bộ phận cùng lúc ấy, cũng không là những bộ phận tách biệt, cũng không là sự tương tục của bất cứ những phần tử riêng biệt nào. Cũng không có ngay cả điều gì tương tự tối thiểu là một thực thể khác biệt với tâm thức và thân thể có thể so sánh như cái “tôi”. Tuy thế, cái “tôi” chỉ đơn thuần là sự thiết lập bởi nhận thức trong sự lệ thuộc trên thân thể và tâm thức; [có nghĩa là] nó không được thiết lập bởi phương cách của sự tồn tại của chính nó.
Tác động kéo dài trong một lúc, và trong vài tuần tiếp theo bất cứ khi nào tôi thấy người ta, họ dường giống như những ảo ảnh của ảo thuật trong ấy họ đã xuất hiện để tồn tại một cách cố hữu nhưng tôi biết rằng họ không hiện hữu một cách thật sự như thế. Kinh nghiệm ấy, điều giống như tia chớp trong con tim, thật giống như một trình độ ở dưới một giá trị toàn hảo và nhận thức rõ ràng. Đây là khi sự thông hiểu của tôi về sự chấm dứt của những cảm xúc phiền não như một điều khả dĩ chân thật trở thành hiện thực.
Ngày nay tôi luôn luôn thiền quán về tính không vào buổi sáng và mang kinh nghiệm ấy vào trong những hành vi hằng ngày. Chỉ suy nghĩ hay nói “tôi”, như trong “tôi phải làm như thế và như thế,” sẽ thường thúc đẩy cảm giác ý thức. Nhưng tôi vẫn không thể cho rằng mình thấu hiểu hoàn toàn về tính không.
Một ý thức thai nghén một sự tồn tại cố hữu không có một nền tảng thuyết phục. Một ý thức thông tuệ, đặt nền tảng trong thực tại, thấu hiểu rằng sự sống của chúng sinh và những hiện tượng khác – tâm thức, thân thể, tạo tác, và v.v… - không có sự tồn tại cố hữu (vô tự tính). Đây là tuệ trí của tính không. Sự thông hiểu thực tại một cách chính xác đối kháng đến nhận thức sai lầm về tồn tại cố hữu (có tự tính), [làm cho] tuệ trí dần dần vượt thắng si mê. Xóa tan mê muội mà chính nó nhận thức sai lầm những hiện tượng tồn tại cố hữu và chúng ta ngăn ngừa sự phát sinh những cảm xúc phiền não như tham dục và sân hận. Do thế, đến lượt khổ đau có thể được tiêu trừ. Thêm nữa, tuệ trí tính không phải được phối hợp bởi một động cơ sâu xa của việc quan tâm đến người khác ( tức là lòng vị tha và bằng những hành động do bi mẫn thúc đẩy) trước khi tuệ trí tính không có thể tiêu trừ những chướng ngại để đạt đến sự toàn trí toàn thiện toàn giác (nhất thiết chủng trí), vì những chướng ngại có thiên hướng cho sự hiện hữu giả tạm của những hiện tượng – ngay cả cảm nhận ý thức – giống như chúng tồn tại cố hữu.
Do thế, sự thực tập tâm linh toàn vẹn đòi hỏi việc trau dồi tuệ trí trong sự phối hợp với lòng đại bi và khuynh hướng để trở nên giác ngộ mà trong sự giác ngộ ấy những người khác là đáng yêu hơn chính mình. Chỉ có như thế, ý thức chúng ta mới có thể được chuyển hóa thành sự toàn tri toàn thiện toàn giác của một vị Phật.
VÔ NGÃ
Cả sự thực hành thiền tập Phật giáo và không Phật giáo để đạt đến hỉ lạc và thoát khỏi khổ đau, và trong cả những hệ thống Phật giáo và không Phật giáo tự ngã là đối tượng trung tâm của sự nghiên cứu. Có những trường phái không Phật giáo nào đấy chấp nhận sự tái sinh và thừa nhận tính tạm thời của tâm thức và thân thể, nhưng họ tin tưởng trong một tự ngã là nó thường còn, không thay đổi và duy nhất. Mặc dù những trường phái Phật giáo chấp nhận tái sinh, nhưng cho rằng không có một cái ngã trường tồn bất biến như vậy. Đối với người Phật tử, chủ đề chính của sự rèn luyện trong tuệ trí là tính không hay vô ngã, mà nó có nghĩa là sự vắng bóng của một cái ngã thường còn, duy nhất và độc lập, hay một cách vi tế hơn, sự vắng bóng của sự tồn tại cố hữu (vô tự tính) hoặc là trong chúng sinh (nhân vô ngã) hay trong những hiện tượng (pháp vô ngã) khác .
HAI SỰ THẬT (NHỊ ĐẾ)
Đề thấu hiều vô ngã, chúng ta cần thấu hiểu rằng mọi thứ hiện hữu được bao hàm trong hai nhóm gọi là: quy ước (tục đế) và tối hậu (chân đế). Những hiện tượng mà chúng ta thấy và quán sát chung quanh chúng ta có thể biến đổi từ tốt sang xấu, hay xấu sang tốt, tùy thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện khác nhau. Nhiều hiện tượng không thể nói là tốt hay xấu một cách cố hữu; chúng tốt hơn hay xấu hơn, cao hay thấp, đẹp hay xấu, chỉ bằng sự so sánh, không phải bằng cung cách tự nhiên của chúng. Giá trị của chúng là tương đối. Từ điều này chúng ta có thể thấy rằng có một sự khác biệt không nhất quán giữa phương cách chúng hiện diện và bản chất thật sự của chúng như thế nào. Thí dụ, một điều gì đấy có thể - trong dạng thức hiện diện của chúng – trông tốt, nhưng, qua bản chất tự nhiên nội tại của nó là khác biệt, nó có thể biến thành xấu một khi nó bị ảnh hưởng bởi những điều kiện nào đấy. Thực phẩm trông quá ngon lành trong một nhà hàng có thể không tốt mấy trong bao tử của quý vị. Đây là một biểu hiện của sự không nhất quán giữa sự hiện hữu và thực tế.
Những hiện tượng này tự chúng được gọi là những sự thực quy ước của thế gian (tục đế): chúng được biết bởi tâm ý thức mà không thể đi xa hơn những sự hiện hữu. Nhưng cùng những đối tượng có một kiểu mẫu biểu hiện nội tại, được gọi là sự thật căn bản (chân đế), mà nó cho phép những sự thay đổi đem đến bởi những điều kiện (duyên). Một tâm thức thông tuệ, không hài lòng với sự hiện diện đơn thuần, nó phân tích để khám phá những đối tượng có tồn tại một cách cố hữu hay không như chúng dường như thế mà khám phá sự vắng bóng của sự tồn tại cố hữu (vô tự tính). Nó thấy một sự rỗng không của sự tồn tại cố hữu vượt ngoài những sự hiện diện, [đấy là tính không của mọi pháp].
RỖNG KHÔNG CỦA ĐIỀU GÌ?
Tính không hay sự rỗng không hay vô ngã chỉ có thể được hiểu nếu chúng ta nếu trước tiên chúng ta xác định rằng những hiện tượng nào là rỗng không. Không có sự thấu hiểu điều gì bị phủ nhận, chúng ta không thể thấu hiểu sự vắng mặt, hay tính không của nó.
Chúng ta có thể nghĩ rằng tính không có nghĩa là không có gì cả, nhưng nó không phải là như thế. Chỉ đơn thuần từ đọc sách là khó khăn để xác định và thấu hiểu đối tượng phủ nhận, điều gì kinh luận Phật Giáo nói về như sự thiết lập hay tồn tại có hữu chân thật. Nhưng qua một thời gian, khi chúng ta đem sự khảo sát của chính mình để đến sự lĩnh hội hay đánh giá, sự sai lầm của những cung cách thông thường về sự nhận thức mọi vật sẽ trở nên rõ ràng hơn và rõ ràng hơn.
Đức Phật đã nói nhiều lần rằng bởi vì tất cả mọi hiện tượng là sinh khởi một cách lệ thuộc (duyên sinh), nên chúng là tương đối – sự tồn tại của chúng tùy thuộc trên những nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên) và tùy thuộc trên chính chúng. Một cái bàn gỗ, thí dụ thế, không thể tồn tại một cách độc lập; đúng hơn, nó tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân to lớn khác như cây cối, thợ mộc người làm ra nó, và v.v… nó cũng tùy thuộc trên chính nó. Nếu cái bàn gỗ hay bất cứ hiện tượng nào khác thật sự không lệ thuộc – nếu nó được thiết lập trong tự tính của nó – thế thì khi chúng ta phân tích nó, sự tồn tại của nó trong tự tính của nó phải trở thành rõ ràng hơn, nhưng nó không như thế.
Luận lý Phật Giáo này được hổ trợ bởi khoa học. Vật lý học ngày nay, tiếp tục khám phá tốt đẹp hơn rõ ràng hơn cơ chế của sự vật, tuy thế, vật lý học vẫn không thể thấu hiểu bản chất tự nhiên tối hậu của nó. Thông hiểu về tính không thậm chí sâu xa hơn thế. Càng nhìn vào một tâm thức si mê nhận thức những hiện tượng hiện hữu, chúng ta càng thấy rằng những hiện tượng không tồn tại trong cách ấy. Tuy thế, càng nhìn vào một tâm thức thông tuệ thấu hiểu, chúng ta càng đạt đến một sự khẳng định trong sự vắng mặt của sự tồn tại cố hữu (tức là vô tự tính của mọi hiện tượng).
NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CÓ TỒN TẠI KHÔNG?
Chúng ta đã nhận thức rằng khi bất cứ hiện tượng nào được truy tầm qua sự phân tích, nó không thể được tìm thấy. Vì thế chúng ta có thể đang tự hỏi rằng những hiện tượng này có tồn tại trong cách nào đấy hay không. Tuy thế, chúng ta biết từ kinh nghiệm trực tiếp rằng con người và sự vật là nguyên nhân của hạnh phúc và khổ đau, và chúng có thể hổ trợ cũng như làm tổn hại. Do thế, những hiện tượng thật hiện hữu trong một cách nào đấy; câu hỏi là thế nào? Chúng không tồn tại trong tự tính của chúng, nhưng chỉ có một sự hiện hữu lệ thuộc trên nhiều nhân tố, bao gồm cả một tâm thức nhận thức chúng.
Một khi chúng hiện hữu nhưng không tồn tại trên tự tính của chúng, chúng nhất thiết phải hiện hữu trong sự lệ thuộc trên nhận thức. Tuy thế, khi những hiện tượng biểu hiện đến chúng ta, chúng hoàn toàn không xuất hiện như chúng hiện hữu trong cách này. Đúng hơn, chúng dường như được thiết lập trong tự tính của chúng, từ phía đối tượng (khách thể), không có sự lệ thuộc trên một ý thức nhận thức của chúng ta (chủ thể).
Khi tu tập để phát triển tuệ trí, chúng ta đang truy tầm qua sự phân tích để tìm kiếm sự tồn tại cố hữu của bất cứ đối tượng nào mà chúng ta đang quan tâm – chính chúng ta, một người khác, thân thể chúng ta, tâm thức chúng ta, và bất cứ điều gì khác. Chúng ta đang phân tích không chỉ sự hiện hữu đơn thuần mà là bản chất tự nhiên cố hữu của đối tượng. Vì thế không phải rằng chúng ta đi đến sự thấu hiểu rằng đối tượng không tồn tại; mà đúng hơn, chúng ta thấy rằng sự tồn tại cố hữu của chúng không thể tìm thấy được. Phân tích không mâu thuẩn với sự tồn tại đơn thuần của đối tượng. Những hiện tượng tồn tại thật đấy, nhưng không phải trong cung cách mà chúng ta nghĩ chúng tồn tại [như thế nào].
Điều gì còn lại sau sự phân tích là một hiện tượng tồn tại một cách phụ thuộc. Thí dụ, khi chúng ta quán sát thân thể chúng ta, sự tồn tại cố hữu của nó bị phủ nhận, nhưng điều gì lưu lại là một thân thể lệ thuộc trên trên bốn chi, một cái vòi, và một cái đầu.
NẾU NHỮNG HIỆN TƯỢNG LÀ TRỐNG KHÔNG, CHÚNG CÓ THỂ THỰC HIỆN CHỨC NĂNG KHÔNG?
Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ về những đối tượng, chúng ta không tin tưởng một cách sai lầm rằng chúng tồn tại trong tự tính của chúng chứ? Không. Chúng ta có thể hình dung những hiện tượng trong nhiều cách khác nhau. Hãy để chúng ta lưu tâm đến một cây (cối). Không có gì phủ nhận rằng nó hiện hữu để tồn tại một cách cố hữu, nhưng:
1- Chúng ta có thể hình dung cái cây như sự tồn tại một cách cố hữu, trong tự tính của nó.
2- Chúng ta có thể tưởng tượng cái cây như thiếu vắng sự tồn tại cố hữu (vô tự tính).
3- Chúng ta có thể lưu tâm cái cây mà không suy nghĩ rằng nó có tồn tại một cách cố hữu hay không.
Chỉ có cách suy nghĩ thứ nhất là sai lầm. Hai kiểu lĩnh hội kia là đúng, ngay cả nếu kiễu mẫu thẩm thấu bị sai lầm trong cách thứ hai và ba, trong đó cái cây hiện hữu giống như tồn tại một cách cố hữu.
Nếu những đối tượng không tồn tại một cách cố hữu, có phải có nghĩa là chúng không thực hiện chức năng? Đi đến kết luận như thế là bởi vì tính tự nhiên thật sự của đối tượng là tính không, do thế chúng không thể biểu hiện những chức năng như làm vui sướng hay khổ đau, hoặc hổ trợ hay làm tồn hại, là loại thấu hiểu sai lầm tệ hại nhất, đó là quan điểm hư vô luận. Như học giả du già Ấn Độ Long Thọ đã nói trong Tràng Hoa Quý Báu rằng một người chấp chặc hư vô (chấp không) chắc chắn sẽ có một sự chuyển hóa xấu trong sự tái sinh, trái lại một người mặc dù tin tưởng một cách sai lầm trong sự tồn tại cố hữu (chấp có) sẽ đi đến một sự chuyển hóa tốt.
Hãy cho phép tôi giải thích. Quý vị cần một sự tin tưởng trong những hậu quả của những hành vi để lựa chọn đạo đức trong đời sống quý vị và từ bỏ sự không đạo đức hay buông lung. Trong sự hiện hữu của thời gian, quan điểm vi tế về tính không trong sự tồn tại cố hữu có thể quá khó khăn cho quý vị thấu hiểu mà không rơi vào cái bẩy của hư vô luận, mà ở đấy quý vị không thể thấu hiểu rằng mọi hiện tượng sinh khởi trong sự lệ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện (duyên khởi). Thế thì vì lợi ích của tiến trình tâm linh, điều tốt hơn cho quý vị bây giờ là bỏ qua một bên sự cố gắng nhận thức tính không. Ngay cả nếu quý vị tin tưởng sai lầm rằng mọi hiện tượng tồn tại một cách cố hữu (có tự tính), quý vị vẫn có thể phát triển một sự thấu hiểu về duyên khởi và áp dụng vào thực tập. Điều này đấy là tại sao ngay cả Đức Phật, đã dạy bản chất của con người và những hiện tượng khác là tồn tại một cách cố hữu. Những giáo huấn như thế là tư tưởng của kinh điển Đạo Phật nhưng chúng không phải là tư tưởng tối hậu. Trong những mục tiêu đặc thù nào đấy, đôi khi Ngài nói trong những cung cách không dứt khoát (bất liễu nghĩa).
TÂM THỨC SAI LẦM TRONG CÁCH NÀO?
Bởi vì tất cả mọi hiện tượng xuất hiện để tồn tại trong chức năng của chính chúng, nên tất cả những nhận thức thông thường của chúng ta bị sai lầm. Chỉ khi nào tính không được nhận thức một cách trực tiếp qua sự thiền quán tập trung một cách hoàn toàn (đại định) sẽ không có sự hiện hữu sai lầm. Vào lúc ấy, tính nhị nguyên của chủ thể và đối tượng đã tan biến, [vì] như để có sự biểu hiện vô số; duy chỉ tính không hiện hữu. Sau khi chúng ta xuất thiền, một lần nữa sự sống và những đối tượng biểu hiện một cách sai lầm trong tự chúng và chính chúng, nhưng qua năng lực thực chứng tính không, chúng ta sẽ nhận ra sự bất nhất giữa biểu hiện và thực tại. Qua thiền quán chúng ta đã xác định cả kiểu mẫu biểu hiện sai lầm lẫn hình thức lĩnh hội sai lầm.
Hãy trở lại điểm trung tâm: Tất cả chúng ta có một ý thức về cái “tôi” nhưng chúng ta cần nhận thức rằng nó chỉ được mệnh danh trong sự lệ thuộc trên tâm thức và thân thể. Tính vô ngã mà người Phật tử nói đến liên hệ đến sự vắng mặt của tự ngã hay một cái ngã thường hằng, không phần tử, và độc lập, hay, một cách vi tế hơn, nó có thể liên hệ đến sự vắng mặt của sự tồn tại cố hữu (tự tính) của bất cứ hiện tượng nào. Tuy thế, người Phật tử thật sự thừa nhận sự hiện hữu của một cái ngã thay đổi từ thời khắc này đến thời khắc khác(hằng chuyển như bộc lưu), được mệnh danh trong sự phụ thuộc trên sự tương tục của tâm thức và thân thể (dòng suối tâm) . Tất cả chúng ta thật sự có ý thức về cái “tôi” này. Khi người Phật tử nói về giáo lý vô ngã, chúng ta không liên hệ đến sự không hiện hữu của cái ngã này. Với cái “tôi” này, tất cả chúng ta hoàn toàn có quyền muốn có hạnh phúc và không muốn khổ đau. Nhưng khi chúng ta thổi phồng ý thức của tự chúng ta và những hiện tượng (các pháp) khác để nói về điều gì đấy tồn tại một cách cố hữu (có tự tính) mà chính điều đó đưa chúng ta vào rất nhiều, rất nhiều rắc rối.
TÓM TẮT SỰ THỰC TẬP HẰNG NGÀY
Như một bài tập trong sự nhận diện chủ thể và đối tượng và sự vật hiện hữu một cách sai lầm như thế nào, hãy cố gắng thực tập những điều sau đây:
1- Hãy quán chiếu một sự vật như một đồng hồ hiện hữu như thế nào trong một gian hàng khi chúng ta lần đầu tiên để ý đến nó, sau đó sự hiện diện của nó thay đổi như thế nào và trở thành cụ thể như thế nào khi chúng ta bị thu hút hơn về nó, và cuối cùng nó hiện hữu như thế nào khi chúng ta đã mua nó và nghĩ nó là của chúng ta.
2- Hãy phản chiếu trên việc chính chúng ta hiện hữu như thế nào đến tâm thức chúng ta giống như nó tồn tại một cách cố hữu (có tự tính).
Tenzin Gyatso is the Fourteen Dalai Lama of Tibet. This selection is from How to Practice: The Way to a Meaningful Life, by His Holiness the Dalai Lama. Translated and edited by Jeffrey Hopkins, Ph.D.
Ẩn Tâm Lộ ngày 06/04/2011
http://www.shambhalasun.com/
http://www.katinkahesselink.net/tibet/dalai2.htmlẢnh dịch giả: Jeffrey Hopkins, Ph.D.
Xem thêm:
TÁNH KHÔNG, THUYẾT TƯƠNG ĐỐI VÀ VẬT LÝ LƯỢNG TỬ - Đức Đạt Lai Lạt Ma -Trần Uyên Thi dịch và chú giải
NHẬP TRUNG ĐẠO CƯƠNG YẾU - Đạt-Lại Lạt-ma XIV - Chân Nguyên dịch Việt
ĐẠT LAI LẠT MA TẠI HARVARD & NHẬP TRUNG ĐẠO CƯƠNG YẾU - Chân Nguyên dịch
No comments:
Post a Comment