Tuesday, November 11, 2014

Freud và Phật giáo- Sự tương đồng đến kinh ngạc

Freud và Phật giáo- Sự tương đồng đến kinh ngạc 



Cho đến hôm nay, có thể nói nhân loại đã có 3 lần nhận ra mình bị “hớ”, đến mức nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, thậm chí nhiều niềm tin bị sụp đổ sau 3 cuộc “cách mạng” ấy: Đầu tiên là thuyết nhật tâm, khi cả nhân loại đều tin một cách vững chắc rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, trên đó, cả vũ trụ quay quanh mình thì Copecnic bảo không phải vậy, mặt trời mới là trung tâm.

Lần thứ hai là Darwin với học thuyết tiến hóa; khi ai cũng tin rằng con người ta là một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên, của Thượng Đế, không có một mối quan hệ nào với động vật cấp thấp thì Darwin bảo không phải vậy, con người là từ khỉ mà thành, chính xác hơn là một nhánh nào đó của động vật linh trưởng mà thành. 

Và lần thứ ba là Freud với Phân tâm học; khi ai cũng chắc như đinh đóng cột rằng ý thức của con người ta (trong đó có trí tuệ, nhận thức và sự hiểu biết) là thiêng liêng và mạnh mẽ, nó quyết định mọi hành vi của con người ta, là điểm khác biệt giữa con người và động vật khác; thế nhưng Freud, với sự phân tích tâm lý của con người ta một cách xuất sắc và trung thực của mình đã bảo rằng: Không phải vậy! Vô thức và bản năng, những thứ rất gần, nếu không nói là giống hệt với động vật, mới là những điều quyết định rất nhiều đến hành vi của con người! Có thể ví von để dễ hình dung, ý thức như cái con rối mà vô thức và bản năng là kẻ đứng sau giật dây, điều khiển mọi chuyện. Điều này thì “khó chịu” chẳng khác gì khi nghe Darwin bảo con người ta vốn là từ con khỉ mà thành. Nó khó chịu đến mức con người thường ngụy tạo nên những cái vỏ, cái áo mỹ miều để khoác lên cái động lực rất bản năng chẳng khác với con khỉ, con chó là mấy. Mặc cảm Edip, cái mặc cảm của kẻ giết cha và lấy mẹ của con người thời bầy đàn kéo dài hàng triệu năm (cần nhớ rằng con người văn minh mới chỉ có chừng 20.000, nếu không nói là chỉ 10.000 năm trở lại đây thôi) đến giờ vẫn còn ám ảnh đâu đó trong vô thức con người và tạo nên những hành vi, căn bệnh tâm thần mà chỉ có nhờ Freud với sự Phân tâm mới có thể chữa hết được. Rồi bản năng tính dục, cái chuyện vặt mà ai cũng xấu hổ khi nói đến ấy thì Freud lại bảo rằng chính nó đã khiến cái thế giới này hình thành, nó khiến cái xã hội con người này cứ như sôi lên sùng sục suốt mấy ngàn năm qua; bao cuộc chiến tranh, bao kẻ tội đồ, bao thánh nhân, bao triết gia, bao nhà thơ, bao của cải... là cũng từ cái nguồn năng lượng vĩnh viễn không bao giờ chịu vơi cạn ấy mà hình thành. Đè nén nó là như lấy giấy mà gói lửa. Không tin ư? Bạn hãy cứ hỏi con mắt bạn khắc biết, tại sao cái bóng hồng giữa đám đông kia lại hút ánh nhìn của bạn đến vậy?

Rồi bản năng sống, bản năng sinh tồn, bản năng chết, bản năng sợ hãi, bản năng giận dữ nữa, ý thức chẳng bao giờ điều khiển được nó. Tại sao nói trước đám đông tim bạn cứ đập liên hồi vậy? Tại sao con người ta lại sợ rắn, đỉa, chuột, gián? Tại sao đèn đỏ ở ngã tư lại làm ta cồn cào bất an? Và tại sao con người ta lại không thể kìm chế được sự giận dữ, nhiều khi qua rồi mới thấy là vô cớ và kỳ cục? Vâng, đời sống tinh thần của con người, mặc dù đã được Freud phân tích khá kỹ từ gần 100 năm trước nhưng cho đến nay vẫn còn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn, không phải là không nhìn thấy mà giống như là con người đã không chịu nhìn nhận, mặc dù ai cũng có thể nhìn thấy.

Và thật kỳ lạ, những điều Freud phân tích và khám phá ở trên gần như trùng khớp với những khái niệm cơ bản nhất của Phật giáo, chỉ có điều tất cả đều được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ khác.

Này nhé, bản năng thì tăm tối và hình thành từ thuở con người còn là những động vật bầy đàn hú hét trong rừng sâu. Nhà Phật cũng có khái niệm Vô minh hình thành từ Vô thủy, thường được gọi chung là Vô thủy Vô minh. Thật kỳ lạ, tại sao nhà Phật lại có cái khái niệm và sự diễn đạt chính xác đến vậy về cái tối tăm trong đời sống tinh thần của mình hình thành từ thời con người chưa là NGƯỜI, những điều mà khoa học đã tốn rất nhiều công sức mới dần nhận ra cái phần tâm lý bí ẩn mà Freud gọi là vô thức, bản năng. Mà Freud có được những suy nghĩ ấy chính lại nhờ vào sự quyết liệt và dũng khí của Darwin. Từ hơn 2000 năm trước Phật Thích Ca và các vị tổ sau này nhìn thấy điều gì trong tâm hồn con người rồi gọi tên nó là “cái hầm sâu vô thủy vô minh”? “Cái hầm sâu này” dường như Freud cũng chỉ mới bắt đầu cảm thấy chứ chưa thực sự hiểu cặn kẽ về nó, thậm chí đã tìm ra phương pháp để “phá tan” cái hầm sâu vô thủy vô minh ấy như Phật và các thiền sư nhà Phật đã làm để có được một cái nụ cười tự nhiên, thanh thản, an lạc như thấm đẫm đến từng tế bào như vậy.

Không cần đến cái mục đích cuối cùng là sự giải thoát, giác ngộ, và cũng khó mà yêu cầu Freud “đạt” đến chỗ mục đích cuối cùng như nhà Phật hay nêu; chỉ với những khái niệm cơ bản, những mục đích đạt tới, những cách diễn đạt, những phương pháp sử dụng để khảo sát đời sống tinh thần con người... chúng ta đã thấy Freud và Phật giáo nhiều chỗ tương đồng đến mức kinh ngạc.

Này nhé, nhà Phật không ai không biết đến các khái niệm vạn pháp do tâm tạo và tu là chuyển nghiệp. Freud cũng nói đến rất nhiều khái niệm số phận của mỗi người là do chính người đó, qua sự điều khiển của vô thức mà hình thành nên số phận của anh ta. Có người sống với người vợ nào rồi cũng ly dị, chơi với bạn nào rồi cũng bị bạn phản. Freud đã phân tích khá kỹ rằng chính vô thức đã thôi thúc ở bên trong anh ta để cuộc ly dị xảy ra, cuộc phản bội của bạn hình thành thì anh ta mới thỏa mãn mà không hề tự biết điều đó. Thì ra ta đi đâu cũng gặp người khó tính, người ích kỷ, người thủ đoạn là do chính bởi ta tạo nên họ chứ không phải họ có sẵn đó và ta chỉ gặp. Những khái niệm này là vô cùng gần với Phật giáo, số phận của ta là do chính nhân duyên nghiệp chướng ta tạo nên mà thành. Nhà Phật hay kể một câu chuyện rất hay để minh hoạ là: Có một cô con dâu không chịu nổi bà mẹ chồng khó tính, mới quyết định xin thầy cho loại thuốc nào đó cho bà chết đi. Vị thầy bảo, để cô không phải bị truy tố, ông sẽ cho một loại thuốc uống hằng ngày mà bà mẹ chồng sẽ chết sau một năm không để lại một dấu vết nào, chỉ với một điều kiện, đừng làm cho bà giận, bà chỉ cần giận một lần thôi là thuốc sẽ không hiệu quả. Cô con dâu từ đó cho bà uống thuốc và cố không làm bà giận, mà khi con người ta không giận thì chỉ có vui trở lên. Sau một năm cô con dâu đến gặp thầy và khóc xin sao cho mẹ chồng đừng chết nữa, vì cô đã rất yêu mến mẹ chồng và bà mẹ chồng cũng rất yêu mến cô. Vị thầy cười bảo, thuốc đó là củ sâm, chỉ có tốt chứ không độc, và báo cho cô biết mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi chính cô thay đổi cách sống, thay đổi thái độ của cô với bà mẹ chồng.

Tu là chuyển nghiệp, tức sửa chữa mình thì sẽ thay đổi số phận. Đi đến cùng của khái niệm này ta sẽ thấy quả thật là “Vạn pháp do tâm tạo”. Thế giới này xét cho cùng là thế giới ở trong ta, thế giới ta nhận thức. Thế giới được ta quan sát là quan trọng hơn rất nhiều cái thế giới thực mà con người khó có thể nắm bắt. Cái tâm ta đối diện với mặt trăng quan trọng hơn rất nhiều bản thân cái mặt trăng khô khốc bụi đất, hoặc mặt trăng có chị Hằng chú Cuội ở trên. Thượng Đế có thật hay không không quan trọng bằng thái độ của chúng ta khi đối diện với một Thượng Đế thật hoặc không có một Thượng Đế nào cả.

Có nghĩa là, với Phật giáo, thì cái tâm của mình là một thế giới cần được khám phá hơn bất cứ điều gì khác. Các tầng mức giác ngộ, các tầng thánh quả, chính là các tầng mức hiểu biết về cái tâm của mình.

Và Freud cũng vậy, cả sự nghiệp của ông là sự nghiệp khám phá những góc khuất sâu kín, tối tăm thậm chí bỉ ổi, thối tha nhất mà không ai dám thừa nhận trong tâm hồn con người. Kéo con người đừng nhìn ra ngoài nữa mà hãy nhìn vào cái động lực, trên đó từng mỗi hành vi hình thành là mục đích của cả Freud và Phật giáo. Quán nhân duyên, biết mỗi sự việc xảy ra (quả) là từ cái nguyên nhân (nhân) nào đưa đến là trí tuệ cao nhất mà mỗi Phật tử đều mưu cầu.

Làm chủ sanh tử há không phải là làm chủ bản năng đấy sao? Các tổ Thiền tông cũng thường bảo, phá tan được cái hầm sâu vô thủy vô minh ấy thì kiến tánh thành Phật! Có một điều cần chú ý là, nhà Phật hay nói lìa tri kiến, sở tri chướng, tức những hiểu biết, kiến thức, nhận thức luôn là những trở ngại trên con đường đạt đến sự giác ngộ. Chỗ này thì Lão Tử và Đạo Đức Kinh lại có một tương đồng khác nữa. Nếu hiểu bản năng chính là Vô minh thì ta sẽ hiểu một tầng nghĩa khác của nó, đó chính là sự hiểu biết không bao giờ, và sẽ không bao giờ, chế ngự được bản năng. Chỉ có sự không biết, thiền định ở mức độ “vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý” (không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý-Bát Nhã Tâm Kinh); hoặc “tâm như tường bích” (tường đá) (Bồ Đề Đạt Ma); hoặc Vô Sở trụ (kinh Kim Cang); tức ở cái chỗ mà tâm con người ta không đứng, không dựa trên bất cứ điều gì cả, tức chỗ không biết cái gì cả, không ý thức cái gì cả, thì hầm sâu vô minh sẽ bị phá, đó là lúc mà Bản Năng sẽ không còn “quấy rầy” con người nữa, con người thực sự mất đi phần CON để trở thành một NGƯỜI đúng nghĩa.

Đó là nói phần khác nhau trong giải quyết vấn đề, giữa Freud và Phật giáo, sau khi nhìn thấy sự tác động mạnh mẽ của bản năng đến đời sống tinh thần của con người. Freud thì lôi nó ra đặt nó trên mặt bàn của ý thức, và ông đã chữa được nhiều bệnh tâm thần cho con người. Phật giáo thì không vậy, thật ra lôi tất cả ra dưới ánh sáng của ý thức cũng là đường lối của nhiều tông phái Phật giáo, tuy nhiên, cái mục đích cuối cùng của Phật giáo thì phải phá tan cái hầm sâu “Vô thủy vô minh” ấy. Làm sao phá, đó là một chuyện vô cùng lớn và không thể bàn trong một bài báo. Ở đây, chỉ với những cái nhìn ban đầu, chỉ với những bước đi đầu tiên nhằm tìm thấy những góc khuất trong đời sống tinh thần con người chúng ta đã thấy với công cụ “Phân tâm học” do Freud lập nên, có lẽ sẽ là điều kiện tốt nhất để mỗi Phật tử, và để mỗi người có thể nhận ra những động cơ sâu kín nhất trong mình, vẫn thường thôi thúc mình hành động thế này chứ không phải thế khác, tạo nên “quả” này chứ không phải “quả” khác. Để rồi từ đó hình thành nên một con người thực sự thông tuệ, không còn bị những bản năng tăm tối hoặc vô thức vớ vẩn nào đó điều khiển nữa. Đó há không phải là mục đích cao nhất mà nhân loại vẫn mưu cầu từ hàng chục ngàn năm qua đấy sao?


Hồ Trung Tú

(Tạp chí Tia sáng)




SIGMUND FREUD
(1856 - 1939)

Nhiều người tin rằng những việc nghiên cứu của SIGMUND FREUD đã đánh dấu cho sự khởi đầu của tâm lý học hiện đại. Ông đã phát triển phương pháp mới để học về cá tính con người. Một số không đồng tình với ý kiến của ông,và những người khác nghĩ ông ta là người thiên tài.

SIGMUND FREUD, sinh năm 1856 tại Moravia, ngày nay thuộc Cộng hòa Czech. Gia đình ông dời đến Vienna (Viên, thủ đô nước Áo), khi SIGMUND được bốn tuổi. Ông là người con cả trong tám đứa con và là người con mẹ ông thương mến nhất. SIGMUND thích đọc sách và ông luôn đứng đầu trong lớp. Ông không thích thể thao hay các hoạt động ngoài trời trừ đi bộ. Căn nhà chung cư chỉ có bốn phòng, nhưng bà mẹ cho ông một căn phòng riêng vì vậy ông có thể học tập trong yên tĩnh. Hiếm khi ông cùng ăn cơm với gia đình. Thay vì vậy, ông ăn riêng trong phòng với những cuốn sách ông thích chung quanh.

Đầu tiên SIGMUND FREUD nghĩ là sẽ học luật, nhưng rồi thì ông ta quyết định chọn học ngành y. Ông ta ghi danh nhập học tại Đại học Vienna vào năm 1873. Những ngày đầu ở trường không dễ dàng với ông vì những người bạn phân biệt chống lại do bởi ông là người Do Thái. Điều này làm cho FREUD quyết định hơn bao giờ hết là phải học thật giỏi. Ông thích làm việc trong phòng thí nghiệm và học khoa học ngành y hơn là giúp đở bệnh nhân. Trên thực tế, ông phải học bảy năm thay vì năm năm bởi vì ông dành quá nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm của một giáo sư nổi tiếng. FREUD dự định trở thành một giáo sư phụ tá, những bất hạnh thay, một lần nữa, ông lại bị sự phân biệt chống lại.

FREUD nhận văn băng tốt nghiệp y khoa năm 1881. Một vài năm tiếp theo ông tiếp tục làm việc trong phòng thí nghiệm. Trong thời gian ấy, ông bị tiếng sét ái tình, và đính hôn với một thiếu nữ tên Martha Bernays. FREUD không kiếm được nhiều tiền với những việc làm ở phòng thí nghiệm, vì vậy ông nhận một việc làm ở Bệnh viện Đa Khoa Vienna. Ông làm việc trong vài khoa, kể cả Khoa Tâm lý, nơi ông ta học về hệ thống thần kinh con người và bệnh thần kinh. FREUD bị mê hoặc bởi tâm con người. Sau vài tháng, ông đã đến một trung tâm ở Ba lê (Paris) để học với một nhà chuyên môn về lĩnh vực này. Bốn tháng sau, ông mới nhận ra là ông nhớ nhung Martha như thế nào, và thế là ông trở lại Vienna. Họ cưới nhau vài tuần lễ sau đó và tiếp tục có một gia đình với sáu đứa con.

Sau khi thành hôn, FREUD mở một phòng khám bệnh tâm lý tư nhân. Ông làm việc với bệnh nhân những người bị căng thẳng hay có thái độ kỳ hoặc. Đầu tiên ông dùng thôi miên, một kỷ thuật ông đã học ở Ba Lê. Trong trạng thái thôi miên, những bệnh nhân thỉnh thoảng nhớ lại những kinh nghiệm hay trường hợp là nguyên nhân cho những rắc rối của họ. Nhiều bác sĩ lúc bấy giờ không đồng ý với việc dùng thôi miên, nhưng FREUD vẫn tiếp tục. Một số bệnh nhân được chửa trị bằng phương pháp này, nhưng một số khác thì không có tác dụng, vì vậy ông tiếp tục tìm những phương pháp khác để hiểu tâm con người.

Khoảng thời gian ấy, FREUD bắt đầu chửa trị bệnh nhân bằng một phương pháp mới gọi là “phân tâm học” (psychoanalysis ). Phân tâm học dùng nhiều kỷ thuật khác nhau để chửa trị bệnh nhân. Một kỷ thuật mà FREUD dùng là để những bệnh nhân nói bất cứ những gì họ muốn, có khi đến hàng giờ. Lúc mới bắt đầu, họ không thể nhớ tại sao phiền muộn hay khó chịu. Nhưng sau một lúc, ký ức trở lại. Sau khi nói lại những gì họ đã trải qua và sự hiểu biết về nguyên nhân đã làm nên những rắc rối, nhiều bệnh nhân đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn; FREUD cũng đã nói về tâm lý vô ý thức do bởi nguyên nhân của những vấn đề tinh thần hay cảm xúc. Ông tin rằng thường thì người ta không cảnh giác với những việc làm người ta khó chịu, bối rối. Liên hệ với điều này nghiên cứu của FREUD nhắm tới những giấc mộng. FREUD tin rằng những thái độ kỳ lạ hay bất thường thì thường liên hệ với những quá khứ lo lắng, sợ hải, và khát vọng, điều thường xuất hiện trong những giấc mộng. Bằng việc để cho những bệnh nhân nhớ lại những giấc mộng, ông có thể hiểu điều gì đã làm họ khó chịu hay bối rối. Rồi ông giúp họ vượt qua những khó khăn. Năm 1910, FREUD viết một quyển sách tên là “Giải thích giấc mơ” (Interpretation of dream) để diễn giải ý nghĩa những giấc mơ. Nhiều người sửng sốt và giận dử vì những ý tưởng trong quyển sách của ông. Họ nghĩ rằng những giấc mộng không có liên hệ gì với những vấn đề của con người.

Khi những nghiên cứu của FREUD lan rộng đến mọi người, người ta cười ông và gọi ông là một kẻ lừa dối. FREUD rất vững vàng, và kiên định trong đời sống chuyên môn. Ông tảng lờ những dị nghị, đàm tiếu, chế nhạo, lẫn chống đối và tiếp tục nghiên cứu. Ông tiếp tục công bố, xuất bản sau những lần nghiên cứu. Một số nước cấm lưu hành sách của ông, và nhiều nhóm tôn giáo lên án ông. Nhưng vài bác sĩ trẻ ở Vienna và một nhà tâm lý học tôn trọng trên khắp thế giới hâm mộ, ủng hộ ông. Sau một thời gian, một vài người hâm mộ nổi tiếng bắt đầu không đồng tình với những ý kiến của ông. Họ bắt đầu dùng những kỷ năng của riêng họ và FREUD không bao giờ tha thứ cho họ. FREUD không nghe bất cứ ý kiến của ai và những bàn tán ngoài những ý tưởng của chính ông.

Trong đời sống riêng tư, FREUD là một người cha và một người chồng trìu mến. Ông thích nói chuyện với con cái ông trong những buổi bách bộ trên đồng quê, ở đấy họ hái hoa và nấm. Ông cũng thích chơi bài hàng tuần với những người bạn. FREUD thích thú trong khảo cổ học và sưu tầm những cổ vật của Ai Cập và Hy Lạp. Ông không thích điện thoại và hiếm khi nghe đài truyền thanh. FREUD không thích thịt gà và bong cải xanh và từ chối không ngồi tại một bàn đã được chưng dọn những thức ăn này. Ông cũng sợ những không gian mở và xe lửa. FREUD rất cao, tóc đen và một bộ râu ngắn. Ông thích mặc những bộ đồ đẹp, với cà vạt đen và nón đen. Ông cũng hút hai mươi điếu xì gà mỗi ngày. Bất hạnh thay, FREUD bị ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe. Ông bị ung thư miệng và trải qua hơn ba mươi cuộc giải phẫu. Trong giải phẫu, bác sĩ phải cắt một phần lưỡi và vì vậy ông đã rất khó khăn để nói chuyện.

Năm 1938, Đức quốc xã xâm chiếm Áo quốc. Thế chiến thứ hai bắt đầu, và đời sống trở nên khủng khiếp cho hàng triệu người Do Thái, kể cả SIGMUND FREUD. Lính Quốc xã đã đốt nhiều cuốn sách của ông nơi công cộng. Chúng cũng phá hủy công ty xuất bản đã in những sách vở của ông. Một ngày khi ông vừa từ bệnh viện về nhà, Mật vụ Quốc xã đã bắt ông. Chúng cũng tịch thu tiền bạc, nhà cửa, đất đai của ông. FREUD cần một phép mầu để cứu ông. Phép lạ đã đến khi Tổng thống Hoa kỳ Franklin D. Roosevelt yêu cầu quân đội Quốc xã trả tự do cho ông. Chúng đồng ý để cho FREUD rời Áo quốc nhưng đòi 20.000 bảng Anh (tương đương 32.000 đô la Mỹ). Một công chúa Hy Lạp từng là bệnh nhân của ông đồng ý trả số tiền ấy. Tuy vậy, FREUD phải ký giấy nói rằng lính Quốc xã đã đối xử tốt với ông. FREUD ký vào giấy và thêm vào những chữ ông viết rằng, “tôi có thể giới thiệu một cách ấm áp của Gestapo đến với mọi người”. Vào ngày 04 tháng Sáu năm 1938, FREUD cùng gia đình dời đến một thị trấn gần Luân đôn. Mười lăm tháng sau, vào tháng mười một, năm 1939, FREUD đã qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.

Milada Broukal
Tuệ Uyển chuyển ngữ
18-08-2008


No comments:

Post a Comment